Doanh thu giảm 1.900 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 273 tỉ đồng... thực tế này tiếp tục ghi nhận nửa năm kinh doanh không mấy khả quan của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling, MCK: PVD)
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 vừa được công bố mới đây ghi nhận doanh thu của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí đạt 945,2 tỉ đồng (giảm hơn 800 tỉ đồng so với quý 2/2016). Con số này khiến cho doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 1.448 tỉ đồng (giảm khoảng 1.900 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái).
Doanh thu đạt hơn 900 tỉ là vậy, nhưng sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, PV Drilling chỉ thu về khoản lợi nhuận gộp hơn 71 tỉ đồng, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp lại "ngốn" tới hơn 120 tỉ đồng cùng với hàng loạt các khoản chi phí khác. Kết quả này kéo lợi nhuận sau thuế của PV Drilling âm tới 59 tỉ đồng trong quý 2/2017 và âm tới hơn 273 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.
PV Drilling lý giải trong quý 2/2017, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và hợp nhất giảm tương ứng 206,2% và 327,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do đơn giá thuê giàn trong quý 2/2017 giảm từ 35%-40% so với quý 2/2016. Hơn nữa, trong quý 2 lại không có giàn khoan thuê hoạt động, khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan đều giảm 30%-40% so với cùng kỳ.
Tính đến hết quý 2/2017, PV Drilling có tổng tài sản hơn 22.000 tỉ đồng, giảm khoảng 1.000 tỉ đồng so với đầu năm nay. Trong khi đó, nợ phải trả của tổng công ty là 9.056 tỉ đồng, nợ ngắn hạn là 3.348 tỉ đồng và nợ dài hạn là 5.707 tỉ đồng.
Khi mớilên sàn HOSE, cổ phiếu PVD từng được giới đầu tư săn đón ráo riết, bởi lúc đó là thời "hoàng kim" của giá dầu. Tuy nhiên, PV Drilling đã lao dốc không phanh kể từ năm 2016 khi công ty mẹ bắt đầu kinh doanh sa sút với kết quả doanh thu giảm tới 75,4%, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 95%.Vào hồi tháng 5.2017, cổ phiếu PVD từng chạm ngưỡng thấp nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh cả năm 2017, PV Drilling dự báo cả năm nay tiếp tục khó khăn khi công ty chủ động tăng cường quản lý tài chính, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí trên tất cả các khoản mục chi, cơ cấu nguồn lực tinh gọn. Trong đó có việc cắt giảm nhân sự, tối giản chi phí vận hành giàn khoan, giảm chi phí đầu vào, cắt giảm chi phí hành chính quản lý doanh nghiệp.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, lãnh đạo PV Drilling cho biết, nếu giá dầu thô trên 60 USD/thùng thì các giàn khoan mới không phải "phơi nắng" chờ việc. Nếu giá dầu hồi phục lên 70 USD/thùng thì hoạt động của PV Drilling sẽ ổn định dù chưa tăng trưởng nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật, sau khi giá dầu có xu hướng hồi phục trở lại gần đây, phải 1-2 năm sau mới thấy được tăng trưởng.
Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí được thành lập năm 2001, tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ kỹ thuật dầu khí biển vàlà một trong những đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVN hiện sở hữu trên 50% vốn cổ phần tại đây.
Hiện tại, các hoạt động chính chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của PV Drilling là dịch vụ khoan, kỹ thuật giếng khoan và cung ứng giàn khoan...PV Drilling hiện được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam khi chiếm khoảng 64-100% thị phần nội địa
Công ty sở hữu 6 giàn khoan, gồm 4 giàn khoan biển tự nâng Jack-up, một giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD và một giàn khoan đất liền.
Năm 2016, PV Drilling là một trong những công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc giá dầu chạm đáy trong vòng 13 năm.
Tuyết Nhung