Xâm nhập mặn được đánh giá là một trong những thách thức dài hạn với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có xu hướng trầm trọng hơn trong tương lai.

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trước tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Lam Thanh | 18/04/2021, 18:05

Xâm nhập mặn được đánh giá là một trong những thách thức dài hạn với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có xu hướng trầm trọng hơn trong tương lai.

Xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta, có vai trò quan trọng với nền kinh tế quốc dân, nhất là trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ĐBSCL lại là vùng đất thấp ven biển, nên hằng năm thường bị tình trạng nước biển xâm nhập sâu vào đất liền.

xam-nhap-man.jpg
Xâm nhập mặn là thách thức lớn của ĐBSCL - Ảnh: VGP

Hiện tượng này xuất hiện theo chu kỳ và thường xảy ra gay gắt trong các tháng mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm. Xâm nhập mặn thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như dòng chảy từ thượng nguồn vào ĐBSCL; dòng chảy trên sông, kênh rạch nội đồng; chế độ thủy triều vùng ĐBSCL; biến đổi khí hậu, tác động của con người trong khai thác và sử dụng nước.

Chỉ trong 6 năm trở lại đây, ĐBSCL đã trải qua hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục, với cường độ gay gắt và khốc liệt ở thời điểm năm 2015/2016 và 2019/2020 dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh...

Trong mùa khô năm 2020/2021, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019/2020, song tình hình cũng khá phức tạp.

Tính đến cuối tháng 2.2021, tại khu vực ĐBSCL đã xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ranh mặn 4g/l ở sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 30-32km; ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 5-25km; ranh mặn 4g/l trên sông Cái Lớn thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 10-13km.

Hạn mặn đã khiến nhiều diện tích lúa, cây ăn trái, canh tác thuỷ sản, rau màu bị thiệt hại, cả hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân đều chịu tác động tiêu cực.

Xâm nhập mặn kết hợp với việc thiếu nước do ảnh hưởng của mùa hạn mặn 2019/2020 làm tổng lượng dòng chảy bị thiếu hụt hơn so với trung bình nhiều năm và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ước tính khoảng 40.000 ha cây ăn trái (Tiền Giang 19.000 ha, Bến Tre 15.000 ha, Vĩnh Long 1.800 ha, Sóc Trăng 3.400 ha) và khoảng 5.000 ha lúa của tỉnh Trà Vinh thiếu hụt nước tưới.

Với đời sống người dân, hạn mặn cũng khiến nhiều hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, thậm chí nguồn nước cấp từ các nhà máy nước sạch tại các đô thị trên địa bàn nhiều tỉnh cũng có dấu hiệu nhiễm mặn.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2020/2021 được cho là do thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Kông trong mùa lũ năm 2020, đỉnh lũ 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền, sông Hậu (tỉnh An Giang) ở mức thấp (dưới báo động 1), dẫn đến dòng chảy mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông (tại trạm Kratie, Campuchia) về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%.

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), trong thời gian tới cần luôn chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp tình huống để giúp người dân ứng phó với tình trạng hạn mặn khẩn cấp như chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho các hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo. Cùng với đó, triển khai khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Rà soát, nâng cấp, mở rộng, kéo dài tuyến ống với các công trình lân cận còn dư công suất để cung cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Thường xuyên quan sát mực nước hồ chứa, kiểm tra dung tích đã sử dụng và dung tích còn lại trong hồ để có giải pháp xử lý điều chỉnh nước tưới cho phù hợp với thực tế sản xuất.

Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước tập trung nông thôn. Đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi khép kín, thực hiện các dự án đê, kè, đập thủy lợi đầu mối ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.

xam-nhap-man-2.jpg
Xâm nhập mặn ảnh hưởng tiêu cực tới nền nông nghiệp 

Giải pháp tiếp theo là thường xuyên nạo vét các tuyến kênh nội đồng, phát dọn khơi thông dòng chảy cho tất cả hệ thống kênh mương, sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng, tiến hành bảo dưỡng sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành, các máy bơm dự phòng để đảm bảo chủ động trong công tác điều tiết phục vụ tưới và bơm nước khi có hạn mặn, vận hành hiệu quả các hồ chứa nước ngọt.

NCIF cũng cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) về khai thác sử dụng nguồn nước. Việc suy giảm dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL, do đó việc quản lý tài nguyên nước ở vùng ĐBSCL phải gắn liền với những vấn đề về khai thác, sử dụng nước của 6 quốc gia có chung dòng sông Mê Kông.

Theo đó cần thúc đẩy đàm phán để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán như Hà Lan, Israel, Úc nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với hạn mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung

Cần tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, sinh hoạt, chống lãng phí nguồn nước. Khuyến khích người dân chủ động trong trường hợp thiếu nước bằng các giải pháp trữ nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trước tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL