Giá nhiên liệu tăng “thủng trời” có khả năng làm rung chuyển các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới, theo New York Times ngày 2.7.

Giá xăng tăng ‘thủng trời’ trên toàn cầu, đe dọa sự ổn định xã hội

Bảo Vĩnh | 03/07/2022, 18:01

Giá nhiên liệu tăng “thủng trời” có khả năng làm rung chuyển các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới, theo New York Times ngày 2.7.

Tờ báo Mỹ tường thuật “Thế vẫn chưa đủ”, là thông điệp mà các thủ lĩnh da đỏ thiểu số ở Ecuador gởi tới Tổng thống Guillermo Lasso của nước này hồi tuần trước, sau khi vị nguyên thủ nói sẽ hạ giá xăng-dầu diesel khoảng 10 cent Mỹ.

Các thủ lĩnh đòi giảm từ 40 đến 45 % trước khi hai bên đồng ý hạ 15 cent trong giá bán.

“Nhiều nước sẽ không tránh khỏi suy thoái kinh tế”

Sự thỏa thuận kết thúc 18 ngày biểu tình phản đối trong phẫn nộ vì giá xăng-dầu và giá lương thực tăng cao. NYT nêu giá xăng ở Lào hiện hơn 7 USD/gallon (3.78 lít), ở New Zealand là 8 USD, Đan Mạch là 9 USD và ở Hồng Kông là 10 USD/gallon.

Tại Mỹ, giá xăng trung bình tăng lên 5 USD/gallon làm nặng gánh người tiêu dùng và gây ra một bài toán chính trị đau đầu cho Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra trong mùa thu tới.

Sự phẫn nộ vì giá xăng-dầu và lương thực tăng cũng xảy ra trên toàn thế giới. Ở nhiều nước, sự tăng giá nhiên liệu còn bi kịch hơn, và sự đói khổ tiếp sau đó càng gay gắt hơn. Các gia đình phải lo có điện thắp sáng, đổ xăng xe, giữ ấm trong nhà và nấu ăn. Các doanh nghiệp bị tăng chi phí và bị nhân công đòi tăng lương.

Tại Nigeria, thợ hớt tóc phải dùng đèn của điện thoại di động để hành nghề, vì họ không thể mua xăng chạy máy phát điện. Tại Anh, phải mất 125 USD mới đổ đầy bình một xe ô tô dành cho gia đình. Tại hầu hết các trạm xăng ở Hungary cấm người lái xe mua quá 50 lít xăng mỗi ngày.

Ngày 28.6, cảnh sát Ghana bắn hơi cay và đạn cao su vào đám đông biểu tình phản đối giá xăng tăng gây khó khăn kinh tế, lạm phát và phản đối một mức thuế mới đánh lên cước phí dùng điện.

Sự tăng giá nhiên liệu đến mức choáng người có tiềm năng làm rung chuyển các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới.

Chi phí năng lượng cao có những điều không thể tránh khỏi như gây tăng lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, kềm hãm sức tăng trưởng kinh tế và cản trở công tác đối phó sự thay đổi thời tiết.

Cuộc chiến ở Ukraine tiến hành bởi Nga (nước xuất khẩu dầu-khí lớn nhất cho thị trường toàn cầu) cùng các án trừng phạt để trả đũa của phương Tây đã khiến giá dầu-khí tăng phi mã, đúng vào lúc thế giới chưa kịp phục hồi sau dịch COVID-19.

Sự tăng giá nhiên liệu quá cao là lý do chính để Ngân hàng Thế giới (WB) phải điều chỉnh dự báo kinh tế hồi tháng trước, ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc nhiều so với dự báo, còn 2,9 % trong năm 2022.

Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo “đối với nhiều nước, sẽ rất khó tránh được suy thoái”.

Châu Âu quá lệ thuộc dầu-khí Nga kiến lục địa này dễ bị tổn thương trước giá cao và thiếu hụt. Vài tuần qua, Nga đã giảm cấp nguồn khí đốt cho nhiều nước châu Âu. Tại toàn châu lục này, nhiều nước phải chuẩn bị chi tiết cho kế hoạch cấp định mức tiêu thụ năng lượng như áp giá trần, hạ tốc độ cho phép lái xe và hạ thấp bộ điều nhiệt.

“Cú đấm kép vào bụng người nghèo ở từng quốc gia”

Mỗi khi xảy ra khủng hoảng, người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ cảm nhận những hậu quả kinh khủng nhất.

Giá nhiên liệu cao góp phần đẩy cao giá lương thực, hạ thấp điều kiện sống và đẩy hàng triệu người lâm cảnh đói ăn. Chi phí vận chuyển cũng làm tăng giá hàng hóa như giày, điện thoại hoặc thuốc kê toa.

Eswar Prasad, nhà kinh tế học ở Đại học Cornell, nói:“Sự tăng giá nhiên liệu và lương thực cùng lúc là cú đấm kép vào bụng người nghèo, và có thể gây ra những hậu quả tàn phá ở một số nơi trên thế giới nếu tình trạng này kéo dài suốt một thời gian”.

Sự tăng giá xăng-dầu cao đến chóng mặt đã khiến một số quốc gia đầu tư các nguồn năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời. Nhưng nếu năng lượng sạch có cú hích đầu tư thì tương tự với các loại nhiên liệu hóa thạch.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tăng sản xuất than để tránh mất điện, vào lúc sự oi bức diễn ra ở miền bắc và miền trung Trung Quốc khiến tăng nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.

Trong khi đó, Đức phục hồi các nhà máy điện chạy than để chuyển khí đốt nguồn cung dự trữ cho mùa đông sắp tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 6 cảnh báo giá năng lượng cao có nghĩa thêm 90 triệu người ở châu Á và châu Phi không có điện để tiêu thụ.

Giám đốc IEA Fatih Birol đã phải than thở “Trong tương lai gần không dễ thở đâu. Chúng ta sẽ còn phải ghi nhận giá nhiên liệu cao và bất ổn trong vài năm tới. Vào lúc này, kịch bản duy nhất là thế giới bị suy thoái thì giá nhiên liệu mới hạ”. 

Bài liên quan
Người Trung Quốc lo ngại bị phương Tây tẩy chay về công nghệ như với Nga
Động thái đình chỉ hoạt động tại Nga vì cuộc chiến ở Ukraine của loạt công ty công nghệ phương Tây như Apple, Google, Microsoft khiến người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại họ sẽ gánh chịu nếu xảy ra việc Bắc Kinh thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng tăng ‘thủng trời’ trên toàn cầu, đe dọa sự ổn định xã hội