Trước diễn biến giá xăng dầu trong nước tăng quá cao, hai Bộ Công Thương, Tài chính đã lên tiếng về vấn đề thuế phí trên mặt hàng xăng dầu hiện nay.

Giá xăng dầu quá cao, hai Bộ nói gì về thuế phí?

Tuyết Nhung | 22/02/2022, 19:22

Trước diễn biến giá xăng dầu trong nước tăng quá cao, hai Bộ Công Thương, Tài chính đã lên tiếng về vấn đề thuế phí trên mặt hàng xăng dầu hiện nay.

Từ 15 giờ chiều ngày 21.2, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp, phá đỉnh 8 năm. Theo đó, giá xăng RON95 tăng gần 1.000 đồng/lít, vượt mốc 26.000 đồng/lít, giá xăng E5RON92 ở mức cao hơn 25.530 đồng/lít.

xang-dau.jpeg
Giá xăng dầu trong nước tăng cao trong kỳ điều chỉnh ngày 21.2 - Ảnh: Internet

Hiện 4 loại thuế chiếm 38% giá xăng dầu như thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000đ/lít. Bên cạnh đó, các chi phí khác như: chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn, chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao.

Giới chuyên gia cho rằng tỷ trọng thuế phí đang đè nặng lên giá xăng dầu, đẩy mặt hàng này tăng nhanh. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải giảm thuế phí để kìm đà tăng của giá xăng dầu.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết sẽ đề xuất sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) có hạn.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng thời gian qua, công cụ Quỹ BOG được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá.

Về chính sách thuế, cơ cấu thuế, phí và các yếu tố cầu thành trong công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính chỉ rõ, các sắc thuế hiện hành áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.

So với nhiều nước trên thế giới, cơ quan này cho rằng tỷ trọng, thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45-60%, ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng, dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn. Trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định: Việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu bình ổn giá không thực sự phù hợp với bản chất của sắc thuế này vì thuế bảo vệ môi trường là công cụ chính sách nhằm thu vào các sản phẩm gây tác động xấu đối với môi trường khi sử dụng. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, pháp luật hiện hành không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu hai loại thuế này.

Hiện mặt hàng xăng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% và không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Đây là mức trung bình thấp so với nhiều nước và việc quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, các khoản chi phí khác cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết các khoản chi phí này được rà soát, đánh giá hàng năm trên cơ sở các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thông báo điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, toàn bộ các khoản chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở chiếm khoảng từ 5% đến 8% mức giá cơ sở hiện hành.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, do khoảng cách giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia và các loại thuế, phí hiện phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam, nên chưa đề xuất giảm thuế, phí để kìm đà tăng của giá xăng, dầu trước mắt.

Liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.

Bài liên quan
NSH Petro báo cáo giải trình đoàn kiểm tra Bộ Công thương liên quan việc cung ứng xăng dầu
Ngày 13.2, ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết NSH Petro đã có báo cáo giải trình gửi đoàn kiểm tra Bộ Công thương về việc cung ứng hàng hóa cho hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hệ thống đại lý, nhượng quyền bán lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu quá cao, hai Bộ nói gì về thuế phí?