"Sau khi hãng hàng không đưa vào khai thác những chuyến bay tối muộn và sáng sớm, mức nóng giá vé đã có phần giảm nhiệt".
Đây là là chia sẻ của ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines ngày 21.6 khi nói về tình hình giá vé máy bay cao thời gian qua.
Ông Tuấn cho biết thời gian qua giá vé máy bay đã tăng khoảng 15 - 17% tùy đợt bay, ngày bay và giờ bay. Cách đây 1 tháng, giá vé máy bay của ngành hàng không nói chung chỉ bằng 76% so với giá trần theo quy định và có những đường bay có giá vé chỉ bằng 43% giá trần. Sau khi hãng đưa vào khai thác những chuyến bay tối muộn và sáng sớm, mức giá vé đã có phần "giảm nhiệt".
Lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh, hãng không bay độc quyền mà đang trong môi trường cạnh tranh lớn. Trong đó ở thị trường bay quốc tế, hãng đang phải cạnh tranh với 53 hãng hàng không.
Do đó, việc cân bằng giá vé máy bay với nhu cầu của thị trường cần được tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Tuấn, việc tăng giá vé máy bay diễn ra trên toàn cầu nhưng thời gian và mức tăng khác nhau. Các hãng đều phải tính toán để có hiệu quả lớn nhất và căn cứ vào sức mua của thị trường. Bao giờ cung - cầu bằng nhau thì giá vé sẽ giảm.
Lý giải nguyên nhân tăng giá vé máy bay, ông Tuấn cho biết năm 2024, riêng giá nhiên liệu đã tăng khoảng 5,5 - 5,6 nghìn tỉ đồng chi phí so với cùng kỳ.
Hiện nay, giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng. Với sản lượng khai thác bay như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng thì chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 230 tỉ đồng/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.
Tỷ giá đồng USD chênh lệch khiến hãng mất thêm khoảng 4,7 nghìn tỉ đồng so với năm 2023. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu tàu bay. Dù vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định "Việc tăng giá vé cũng giúp hãng bù đắp một phần chi phí, bắt đầu có lãi".
Liên quan tới việc thiếu máy bay của ngành hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin thế giới hiện có hơn 1.500 chiếc bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các máy bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.
Riêng hãng hàng không Vietnam Airlines đang phải dừng hoạt động 11 tàu bay và dự kiến tới cuối năm sẽ phải dừng thêm 6 chiếc nữa. Theo dự đoán, ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ có thể kéo dài tới năm 2025 vì quá trình sửa chữa động cơ máy bay thường kéo dài hơn 100 ngày.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt tàu bay, tăng thêm nguồn cung ứng, Vietnam Airlines cho biết đang áp dụng nhiều giải pháp. Doanh nghiệp đã tổ chức lại hoạt động sản xuất bằng cách sắp xếp, bố trí lại giờ khai thác, tăng giờ sử dụng máy bay để bù đắp sự thiếu hụt.
Ngoài ra, hãng đang làm việc với các nhà sản xuất để tìm giải pháp nhằm sớm hoàn thành việc sửa chữa động cơ, có thêm các phương án dự phòng, thuê tàu bay... Theo kế hoạch từ nay tới cuối năm, hãng sẽ nhận thêm tàu bay để bổ sung nguồn cung.
Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch giảm tần suất của một số chặng bay không hiệu quả, bố trí tàu bay vào đêm hoặc sáng sớm nhằm tăng hiệu quả hoạt động.