35 thường là mức trần tuổi tác bất thành văn mà nhiều doanh nghiệp và thậm chí cơ quan nhà nước Trung Quốc áp dụng khi tuyển lao động.

Già hóa dân số ở Trung Quốc, Huawei và các hãng công nghệ kì thị lao động từ 35 tuổi

Cẩm Bình | 06/06/2021, 19:00

35 thường là mức trần tuổi tác bất thành văn mà nhiều doanh nghiệp và thậm chí cơ quan nhà nước Trung Quốc áp dụng khi tuyển lao động.

Trước lúc Annie Li nói với người tuyển dụng về tuổi tác cùng tình trạng hôn nhân bản thân, cuộc phỏng vấn xin việc diễn ra khá tốt đẹp. Thế nhưng, sau khi cô cho biết mình 35 tuổi, đã kết hôn và chưa sinh con thì người tuyển dụng bỗng nhiên thay đổi thái độ.

“Bà ấy kết thúc phỏng vấn, bảo rằng kinh nghiệm làm việc của tôi phù hợp với công ty nước ngoài chứ không phải công ty tôi đang ứng tuyển”, Annie Li kể lại.

Annie Li nghi ngờ nguyên nhân khiến mình bị loại là vì đã chạm đến mức trần tuổi tác. Trong nhiều ngành kinh doanh phát triển nhanh tại Trung Quốc, lao động 35 tuổi rất khó cạnh tranh. Không ít đơn vị, kể cả cơ quan nhà nước, công khai đặt điều kiện “dưới 35 tuổi” cho một số vị trí tuyển dụng cụ thể.

Phân biệt tuổi tác đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghệ: Lao động từ 35 tuổi trở lên sẽ không còn có thể được đề bạt nắm giữ chức vụ quản lý cấp cao, có nguy cơ bị sa thải nếu công ty cần cắt giảm nhân viên.

Theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Phát triển thuộc chính phủ Trung Quốc công bố đầu năm 2021, gần 2/3 số lao động từ 35 tuổi trở lên bị cho thôi việc vào tháng 3.2020 vẫn chật vật tìm việc vào tháng 9 cùng năm.

Tuổi kết hôn trung bình ở Trung Quốc là 27,1 với nam và 24,9 với nữ. Tuổi 35 thường là lúc lên chức làm cha mẹ. Phụ nữ trong độ tuổi này nếu sinh con sẽ được nghỉ thai sản, hưởng lương ít nhất 14 tuần theo luật pháp Trung Quốc (Bắc Kinh và Thượng Hải cho phép 18 tuần).

img_0882-e1620384278746.jpg
Công ty công nghệ Trung Quốc chuộng lao động trẻ tuổi - Ảnh: TechNode

Trung Quốc đang đối mặt tình trạng dân số già hóa và lực lượng lao động thu hẹp. Độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc tăng từ 25 năm 1990 lên hơn 38 năm 2020, dự kiến lên 48 năm 2050 và 49 vào cuối thế kỷ 21.

Tập đoàn viễn thông Huawei từng vướng vào tranh cãi phân biệt tuổi tác khi sa thải 7.000 lao động vào năm ngoái, phần lớn đều ở trong độ tuổi 35. Nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi khẳng định không đánh giá nhân viên dựa trên tuổi tác.

Nền tảng tuyển dụng trực tuyến Maimai vào tháng 3 công bố báo cáo cho thấy lao động làm việc cho 19 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đạt độ tuổi trung bình là 29,6. ByteDance (sở hữu nền tảng quay video ngắn TikTok) cùng Pinduoduo (thương mại điện tử) có xu hướng chỉ dùng lao động khoảng 27 tuổi. Nhân viên của nền tảng xe công nghệ Didi Chuxing có độ tuổi trung bình khoảng 33.

china0001.jpg
Độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc tăng lên 38,8 - Ảnh: SCMP

Trần Hoa Lợi, chuyên gia nghiên cứu luật pháp và sáng tạo công nghệ thuộc đại học Hồng Kông, lý giải: “Các mảng truyền thông xã hội, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, video trực tuyến nhắm đến nhóm dân số trẻ tuổi hiểu biết công nghệ. Vì vậy tuyển lao động ở độ tuổi tương tự, hiểu rõ sở thích lẫn hành vi của khách hàng là điều dễ hiểu”.

Tuy nhiên, Trần Hoa Lợi nhận định mọi thứ sẽ thay đổi vì giới chức Trung Quốc siết chặt quản lý, đòi hỏi công ty công nghệ phải thuê lao động lớn tuổi, dày dạn kinh nghiệm và tuân thủ quy định hơn.

Có quan điểm cho rằng xu hướng chuộng lao động trẻ phản ánh thực tế: Không thể mong chờ một nhân viên trung niên có con cái chạy theo guồng quay 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần).

Văn hóa 996 thu hút sự chú ý khi 2 năm qua xảy ra hàng loạt vụ lao động công ty công nghệ tử vong hoặc tự làm tổn thương. Cuối tháng 12.2020 từng có một nhân viên Pinduoduo 22 tuổi ngã quỵ trên đường về nhà sau 1 đêm tăng ca, rồi tử vong.

Nhà thiết kế trò chơi kỳ cựu Mike Dai thừa nhận dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng, ngành công nghệ Trung Quốc sử dụng rất nhiều lao động với lượng công việc nặng nhọc khổng lồ. Thế nên giới lập trình viên thường tự nhận mình là “nông dân viết mã” hay “thợ chuyển gạch”.

merlin_141985014_41da793a-fd32-4ec4-ba8c-4773759a287a-jumbo.jpg
Không thể trông mong một nhân viên trung niên chạy theo guồng quay 996 - Ảnh: The New York Times

Ông Jimmy Zhao thuộc công ty tuyển dụng HRPartners đánh giá độ tuổi lý tưởng cho lao động làm trong ngành công nghệ là 40, nhưng sau 35 tuổi lao động sẽ khó phát triển sự nghiệp hơn.

Theo Mike Dai, “khủng hoảng tuổi trung niên” ở mức 35 là minh chứng cho thấy ngành công nghệ Trung Quốc vẫn còn yếu kém: Không thể đào tạo nên đội ngũ tay nghề cao đủ sức phát triển lâu dài, phụ thuộc vào lực lượng lao động mới tốt nghiệp đại học xoay vòng.

Ông hy vọng Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ hay Nhật Bản: “Khi đến các công ty phát triển trò chơi tại Nhật, tôi thấy có nhiều nhân viên lớn tuổi. Nhà sản xuất nổi tiếng như Hideo Kojima, Hidetaka Miyazaki đều đã 40 - 50 tuổi nhưng sự nghiệp của họ chẳng hề chững lại tí nào”.

Mike Dai tin rằng công ty công nghệ Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ phải dựa vào lực lượng lao động trung niên nhiều hơn, song thay đổi cần bắt đầu từ nhận thức.

Với lao động như Annie Li, phân biệt tuổi tác là điều vô cùng bức xúc. Cô tốt nghiệp thạc sĩ một trường đại học hàng đầu Hồng Kông, có kinh nghiệm làm việc trong ngành trò chơi điện tử gần 1 thập kỷ và chỉ bất ngờ thất nghiệp khi chủ cũ quyết định đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu.

Annie Li chỉ nhận được 5 lời mời phỏng vấn dù nộp đến 30 hồ sơ xin việc: “Sơ yếu lý lịch của tôi phù hợp 98% mô tả nhiều công việc, nhưng một số nơi chỉ muốn tuyển người dưới 35 tuổi”.

Cuối cùng, nhờ bạn bè giới thiệu, Annie Li được một công ty trò chơi điện tử tại Thẩm Quyển tuyển làm giám đốc đầu tư. Tuy vậy, cô vẫn còn rất ấm ức: “Tôi cảm thấy bị xúc phạm lúc họ từ chối tôi. Họ nói những điều đại loại như họ chỉ cần người có 2 - 3 năm kinh nghiệm thay vì 8 năm kinh nghiệm”.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Già hóa dân số ở Trung Quốc, Huawei và các hãng công nghệ kì thị lao động từ 35 tuổi