Trước mức tăng đột biến của giá bán lẻ gas ngay đầu tháng 12, cùng với việc tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, người dân chỉ còn cách thay đổi dần thói quen tiêu dùng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Giá gas làm đảo lộn thói quen tiêu dùng

Một Thế Giới | 04/12/2013, 11:23

Trước mức tăng đột biến của giá bán lẻ gas ngay đầu tháng 12, cùng với việc tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, người dân chỉ còn cách thay đổi dần thói quen tiêu dùng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Buộc phải thay đổi thói quen

Kể từ lần tăng giá gas gần nhất, bà Nguyễn Thị Hạnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chuyển sang dùng xen kẽ bếp gas và bếp than. Nhưng với lần tăng giá gas này bà dừng hẳn việc đun nấu bằng gas. Bà Hạnh cho biết nhiều hàng xóm cũng bắt đầu thay đổi thói quen nấu nướng hoàn toàn bằng bếp gas như trước. Người thì chuyển hẳn sang bếp từ, bếp than, người sử dụng cả hai.

Chị Lưu Thị Huệ (quận Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: “Gia đình tôi đang cân nhắc dùng điện nhiều hơn, như trước kia đun nước bằng gas giờ sẽ dùng ấm điện hoặc chảo điện nấu nướng, bớt chi phí phần nào tốt phần đó”, chị Huệ nói.

Tại TP.HCM, sự bức xúc của người dân cũng tăng cao. Chị Đỗ Thị Kim Ngọc, công nhân, đang sống tại quận Gò Vấp nói: Tôi thấy từ đầu năm đến nay giá gas tương đối ổn định nhưng tháng 12 lại đột nhiên tăng chóng mặt. Chúng tôi là công nhân lương thấp nên càng khó khăn hơn. Vì vậy tôi mong nhà Nước kiểm soát lại giá gas".

Khảo sát tại một số siêu thị điện máy những ngày gần đây cho thấy, lượng người quan tâm đến các loại bếp từ, bếp điện hoặc bếp hồng ngoại có chiều hướng tăng. Khách thường lựa chọn loại có giá dao động từ 1,5-3 triệu đồng. Bếp gas giờ cả ngày không có khách nào hỏi mua.

Dùng bếp từ, bếp hồng ngoại liệu tiết kiệm hơn bếp gas?

Một câu hỏi được nhièu người tiêu dùng, nhất là bà nội trợ đặt ra là: Liệu chuyển sang dùng điện thì có tiết kiệm hơn dùng gas hay không trong khi điện cũng đang rục rịch tăng giá?

Một chuyên gia kỹ thuật nói rằng nếu dùng bếp gas thì lượng nhiệt thất thoát đến 60%, còn bếp từ, bếp hồng ngoại thì chỉ thất thoát nhiệt 10%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam một tháng tiền điện cũng chỉ hết khoảng 500.000 đồng trong khi dùng gas phục vụ cho nấu nướng cũng mất tầm đó.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Phong thì chia sẻ: “Người dân hãy học cách tiết kiệm, tự tạo nên sức ép cho người bán, nếu thấy đắt quá thì không mua, không sử dụng nữa, chuyển sang sử dụng bếp từ. Nhà tôi đã bỏ bếp gas từ lâu rồi, dùng bếp điện rẻ hơn hẳn một nửa”.

Về phía người tiêu dùng, bà Minh Châu (quận 4, TP.HCM) cho biết: "Nhà tôi dùng cả hai loại bếp gas và bếp từ cũng gần một năm rồi. Trước đây, trung bình 20 ngày hết một bình gas, tính ra mỗi tháng tốn khoảng 600.000 đồng tiền gas (390.000 đồng/bình). Sau khi dùng thêm bếp từ để nấu nước và xào nấu món ăn thì tiền điện chỉ tốn thêm hơn 100.000 đồng. Còn bình gas xài cả tháng vẫn chưa hết".

Đại diện một cửa hàng kinh doanh điện gia dụng ở quận 1, tính toán: cứ nấu sôi 1 lít nước bằng bếp từ mất hơn 2 phút, nấu bằng bếp gas mất khoảng 4 phút. Tính ra tiền thì dùng bếp từ để nấu 1 lít nước mất khoảng 200 đồng, còn dùng bếp gas mất gần 700 đồng. Dùng bếp từ để nấu nước hoặc chiên xào vẫn lợi hơn bếp gas.

Bếp từ còn được đánh giá là có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn bếp gas lẫn bếp hồng ngoại, có thể tận dụng đến 90% năng lượng, còn bếp gas chỉ có thể dùng đến 50-60%. Duy có một bất tiện là bếp từ rất kén nồi.

Hơn nữa, nhiều người nội trợ cho rằng việc đun nấu bằng điện có thể không hiệu quả kinh tế bằng sử dụng gas nhưng ít nhất họ cảm thấy an toàn đối với những nguy cơ cháy nổ gas.
Đối với những người có thu nhập trung bình và nhất là những công nhân lương ba cọc ba đồng, việc sử dụng bếp từ thay cho bếp gas cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn khi phải đầu tư một khoản tiền để sắm sửa trang thiết bị.

“Nhà tôi có con nhỏ, hằng ngày phải hầm xương, hầm cháo cho con, tháng nào cũng hết một bình gas. Lương hai vợ chồng chỉ ở mức trung bình. Giờ chuyển sang bếp từ lại phải bỏ ra hàng triệu đồng mua nồi, mua bếp mới, tôi thấy rất tốn kém” - chị Hoa (Hà Nội) bày tỏ.

Thi Anh

Tổng hợp từ VEF, VOV - Ảnh từ Giaoduc.net

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá gas làm đảo lộn thói quen tiêu dùng