Bộ Tài chính cho rằng cần thiết tổ chức kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, đình chùa trên toàn quốc.

Gần 71 tỉ đồng tiền công đức: Quản lý sao cho minh bạch?

Tuyết Nhung | 24/07/2023, 10:33

Bộ Tài chính cho rằng cần thiết tổ chức kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, đình chùa trên toàn quốc.

Đề xuất kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Báo cáo kết quả thí điểm kiểm tra vấn đề quản lý tiền công đức tại tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy tại 450 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích, cụ thể, có tổng số 468 chủ thể đan xen quản lý.

tien-cong-duc.png

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng 4 khu di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng và Di tích đền Cửa Ông. Ban quản lý di tích kiêm nhiệm cấp xã quản lý, sử dụng 170 di tích là đình, đền, miếu, cơ sở tương tự khác và 62 di tích là chùa chưa có nhà sư trụ trì. Người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý, sử dụng 224 di tích là đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác còn lại.

Về thu, chi tiền công đức, tài trợ các di tích, năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng). Theo đánh giá của các chủ thể được giao quản lý di tích, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40%-60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tổng chi là 54,4 tỉ đồng.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỉ đồng.

Một số di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm 2023 trên 1 tỉ đồng, bao gồm: Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên là 19,8 tỉ đồng (bằng 32% tính trên tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh); Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử gần 7,2 tỉ đồng; đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái là 5,3 tỉ đồng; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Hạ Long là 3,2 tỉ đồng; chùa Hưng Học ở Nam Hòa, Quảng Yên là 2,7 tỉ đồng; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều trên 1,7 tỉ đồng...

Bộ Tài chính cho biết số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo.

Bộ Tài chính nhận định mặc dù tại các di tích về cơ bản đều có bàn ghi công đức, đặt hòm công đức ở vị trí phù hợp; tuy nhiên, tình trạng du khách đặt tiền trên các ban thờ, trên mâm lễ ở di tích nào cũng có. Tại một số di tích vẫn còn tình trạng rải, rắc, gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước... gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra; theo đánh giá của du khách thì các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.

Từ thực tế trên, cơ quan này đề xuất đối với các di tích có thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng không báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ, đề nghị địa phương rà soát, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp đầy đủ.

Thực tế tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Do đó, để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này, Bộ Tài chính đề xuất cần thiết tổ chức kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, đình chùa trên toàn quốc.

Quản lý sao cho minh bạch?

Liên quan đến vấn đề số tiền công đức của Yên Tử thấp hơn ở các cơ sở khác gây thắc mắc dư luận, đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã lên tiếng giải thích là do các đền, di tích khác đều do chính quyền quản lý nên tiền công đức và giọt dầu đều quy vào một mối. Hiện ở Yên Tử có 2 dòng tiền do tăng ni, phật tử, người dân... ủng hộ, gồm: tiền công đức (trong các hòm công đức, thường được ghi vào sổ) và tiền giọt dầu (tiền công đức trên các ban thờ, tượng phật…).

Trong đó, tiền công đức do một ban, gồm đại diện các cơ quan chính quyền cùng nhà chùa, quản lý và giám sát; trong khi tiền giọt dầu do nhà chùa quản lý, sử dụng hoàn toàn và chỉ nhà chùa mới biết.

Đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết số tiền 3,7 tỉ đồng năm 2022, theo báo cáo của Bộ Tài chính, là số tiền trong các hòm công đức, do ban đại diện trên quản lý, chứ không có tiền giọt dầu, trong khi, số tiền giọt dầu thường lớn hơn số tiền công đức.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý đền Cửa Ông (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cũng lên tiếng cho biết, cả tiền công đức và giọt dầu ở đền Cửa Ông đều do chính quyền quản lý, giám sát. Sau khi các khoản tiền công đức kiểm đếm thì đều được chuyển thẳng vào kho bạc.

Chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương - PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng cần phải đảm bảo tính công khai, dân chủ trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các đình, đền, chùa hiện nay. Nếu chỉ quản được đầu vào mà không quản lý được đầu ra thì chỉ là hình thức, không ngăn chặn được những hành vi trục lợi, sử dụng tiền công đức ngoài mục đích.

Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào năm mục đích chính như nuôi bộ máy hành chính, để tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ. Tiền công đức cũng dùng để tổ chức các hội nghị, hội thảo và tài trợ, giúp đỡ những đồng bào nghèo đói, lũ lụt và một số hoạt động khác.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thông tư này chính là hành lang pháp lý để theo dõi, giám sát, thanh tra, xử lý những đơn vị, những cá nhân sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, sai phạm, đầu cơ trục lợi, đánh dấu bước đầu cho việc minh bạch, công khai quản lý tiền công đức. Để có thể quản lý chặt chẽ hơn các cơ quan quản lý, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Để Thông tư 04/2023 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng, chuyên gia Bùi Xuân Đính cho rằng việc kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức trên toàn quốc là hợp lý và cần thiết. Qua đó kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, góp phần minh bạch trong quản lý, thu chi tài chính tiền công đức.

Bài liên quan
Kẻ ẵm hòm tiền công đức ở chùa Thái Ân giả gái xuất thần, khó bị phát hiện
Người quen biết Nguyễn Văn Tuấn cho biết đối tượng này đồng tính và có khả năng giả gái xuất thần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 71 tỉ đồng tiền công đức: Quản lý sao cho minh bạch?