Những quảng cáo nằm trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu người dùng điền thông tin vào “Điều tra dân số 2020 chính thức của Quốc hội” đã bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách Facebook về chống lại thông tin sai lệch liên quan đến điều tra dân số.
Quảng cáo dẫn đến một cuộc khảo sát trên trang chiến dịch tái tranh cử và sau đó là trang kêu gọi quyên góp.
“Chúng tôi cần người Mỹ yêu nước như bạn thực hiện cuộc điều tra này, để chúng tôi phát triển nên chiến lược đem lại chiến thắng cho đất nước”, quảng cáo viết. Facebook thực hiện động thái gỡ bỏ sau khi vài nhóm nhân quyền phản ánh.
Facebook công bố chính sách chống thông tin sai lệch liên quan đến điều tra dân số vào tháng 12 năm ngoái. Người phát ngôn Andy Stone khẳng định động thái mới nhất là minh chứng cho thấy công ty thực hiện chính sách.
Trước lúc Facebook quyết định gỡ bỏ quảng cáo, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã lên tiếng chỉ trích: “Tôi biết tìm kiếm lợi nhuận là mô hình kinh doanh của họ, nhưng không thể gây hại đến công tác điều tra dân số”. Hiện Tổng thống và Cục Điều tra dân số Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận.
Cuộc điều tra dân số năm 2020 đã trở thành điểm nóng chính trị khi vào năm 2018, chính quyền Trump công bố kế hoạch bổ sung câu hỏi “Quý vị có phải là công dân Mỹ hay không”. Ý định bị Tòa án Tối cao ngăn chặn và nhận phải chỉ trích mạnh mẽ từ một số tiểu bang cùng nhóm tự do dân sự. Họ đánh giá câu hỏi nhằm ngăn chặn người nhập cư tham gia bầu cử, giúp đảng Cộng hòa giành được ghế trong Quốc hội.
Thành viên Ủy ban Giám sát - Cải cách thuộc Hạ viện vừa gửi thư đến phía Ủy ban quốc gia đảng Công hòa, đề nghị chấm dứt hành vi gửi đi thông tin giống như điều tra dân số thực sự.
Cuộc điều tra dân số Mỹ diễn ra 10 năm một lần, năm 2020 dự kiến tiến hành trực tuyến. Dữ liệu sẽ được dùng cho việc phân bổ số ghế trong Quốc hội lẫn trong cơ quan lập pháp tiểu bang, cũng như khoảng ngân sách 1,5 nghìn tỉUSD/năm.
Cục Điều Tra dân Số đã mua hàng chục địa chỉ web có chứa từ khóa “điều tra dân số” hoặc từ khóa tương tự khác nhằm ngăn ngừa trang web mạo danh, đồng thời gửi yêu cầu hợp tác đến các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook.
Cẩm Bình (theo Reuters)