Elon Musk hiện giàu hơn Jeff Bezos gần 200 tỉ USD và sở hữu tài sản cá nhân cao hơn chuỗi bán lẻ nổi tiếng Costco sau khi có thêm 63 tỉ USD chỉ trong một ngày.
Giá trị tài sản ròng của Elon Musk đã tăng vọt lên 447 tỉ USD hôm 11.12, theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú Bloomberg), sau khi cổ phiếu Tesla tăng 6% và định giá SpaceX tăng vọt lên 350 tỉ USD dựa trên giao dịch cổ phiếu với các nhân viên.
Elon Musk có thêm 218 tỉ USD trong năm nay, con số vượt qua tài sản ròng nhiều tỷ phú khác, ngoại trừ Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon (249 tỉ USD) và Mark Zuckerberg – Giám đốc điều hành Meta Platforms (224 tỉ USD).
Elon Musk hiện giàu gấp đôi Larry Ellison – Chủ tịch hội đồng quản trị Oracle (198 tỉ USD) và giàu gấp ba lần nhà đầu huyền thoại Warren Buffett - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Berkshire Hathaway (144 tỉ USD).
Khoản tăng tài sản trong một ngày (11.12) của Elon Musk, lớn nhất trong lịch sử chỉ số tỷ phú Bloomberg, ngang bằng tổng tài sản của nhà đồng sáng lập Binance - Changpeng Zhao, hiện xếp thứ 23 trong danh sách 63,2 tỉ USD. Điều này cũng giúp nâng tổng tài sản của 500 người giàu nhất hành tinh lần đầu tiên trên 10.000 tỉ USD, theo trang Bloomberg.
Elon Musk hiện có tài sản ròng cao hơn phần lớn công ty đại chúng Mỹ, gồm cả Costco (442 tỉ USD), Home Depot (419 tỉ USD) và Netflix (400 tỉ USD).
Phần lớn tài sản của tỷ phú 53 tuổi người Mỹ đến từ khoảng 13% cổ phần và một số quyền chọn cổ phiếu đang bị tranh chấp tại Tesla, cùng 42% cổ phần SpaceX. Các doanh nghiệp khác của Elon Musk gồm công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo xAI, hãng chip não Neuralink, công ty cơ sở hạ tầng The Boring Company và X Corp (trước đây là Twitter).
Cổ phiếu Tesla đã tăng hơn 70% trong năm nay lên 425 USD lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm 11.12, định giá công ty ô tô điện này ở mức gần 1.400 tỉ USD. Con số đó vượt xa vốn hóa thị trường khoảng 1.000 tỉ USD của Berkshire Hathaway.
Cổ phiếu Tesla tăng vọt khi các nhà đầu tư đặt cược rằng hãng ô tô điện này sẽ khai thác AI trong các sản phẩm mang tính cách mạng như ô tô tự lái và robot hình người, đồng thời Elon Musk thân thiết với ông Trump.
Elon Musk đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump và trở thành cố vấn thân cận cho Tổng thống đắc cử Mỹ, đồng thời được giao nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy. Điều đó thúc đẩy sự lạc quan xung quanh các công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới.
SpaceX hiện được định giá 350 tỉ USD dựa trên mức giá mới nhất mà công ty và những nhà đầu tư trả để mua cổ phiếu từ nhân viên, trang Bloomberg đưa tin hôm 11.12. Định giá của SpaceX, chủ sở hữu Starlink, trước đây là 210 tỉ USD sau đợt bán cổ phiếu thứ cấp vào tháng 6.
Mức tăng tài sản của Elon Musk diễn ra rất ngoạn mục. Elon Musk có tài sản chưa đến 170 tỉ USD vào tháng 4 và chỉ khoảng 25 tỉ USD cách đây 5 năm, bằng khoảng 1/18 giá trị tài sản ròng của ông hiện nay.
Tesla có giá trị chưa đến 100 tỉ USD trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vào năm 2020, tương đương khoảng 1/14 giá trị định giá hiện nay.
"Sở hữu quyền lực chưa từng có"
Wall Street Journal đánh giá Elon Musk sở hữu quyền lực chưa từng có với một doanh nhân.
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do Elon Musk và Ramaswamy lãnh đạo không phải là một cơ quan nội các chính thức mà hoạt động như một nhóm cố vấn bên ngoài, hợp tác với Văn phòng Quản lý và ngân sách Mỹ (OMB). Elon Musk - Ramaswamy được giao nhiệm vụ tinh giản bộ máy chính phủ, cắt giảm chi tiêu và giảm bớt sự phụ thuộc vào lực lượng lao động liên bang. Mục tiêu chính là cắt giảm 2.000 tỉ USD ngân sách hằng năm, tương đương hơn 1/3 tổng ngân sách liên bang, và giảm số lượng cơ quan chính phủ từ 428 xuống còn 99.
Nổi tiếng với cách tiếp cận quản trị thực dụng, Elon Musk đã công khai chia sẻ các ý tưởng cắt giảm chi tiêu của mình trên mạng xã hội X mà ông sở hữu. Trong khi đó, Ramaswamy đề xuất cắt giảm 75% lực lượng lao động liên bang, tương đương 1,5 triệu công việc. Những kế hoạch này được coi là bước đầu trong nỗ lực tái cấu trúc chính phủ Mỹ một cách sâu rộng.
Những người ủng hộ Elon Musk và Ramaswamy cho rằng DOGE có thể tạo ra sự thay đổi cần thiết trong cách quản lý chính phủ Mỹ. Một chính phủ nhỏ gọn hơn sẽ giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực. Điều này có thể giảm gánh nặng thuế cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các sáng kiến tư nhân phát triển.
Elon Musk được biết đến với thành công trong các ngành công nghiệp đột phá như ô tô điện và hàng không vũ trụ. Những người ủng hộ tin rằng ông có thể mang lại sự đổi mới tương tự cho chính phủ trong lĩnh vực công. Ngoài ra, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tổng thống đắc cử Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa, DOGE có thể vượt qua một số rào cản chính trị ban đầu.
Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm quy mô lớn này đối mặt với nhiều rào cản pháp lý và chính trị. Việc tái cấu trúc hoặc giải thể các cơ quan chính phủ hiện tại đòi hỏi sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh chính trị phân cực ở Mỹ, điều này sẽ khó đạt được, đặc biệt khi nhiều thành viên Quốc hội lo ngại về việc mất quyền kiểm soát và ảnh hưởng của họ trong các cơ quan liên bang.
Việc cắt giảm 75% lực lượng lao động liên bang, tương đương 1,5 triệu việc làm, sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đến các dịch vụ công cộng thiết yếu và an ninh quốc gia Mỹ. Chẳng hạn, các sân bay có thể rơi vào hỗn loạn nếu không có đủ nhân lực giám sát. Nhiều cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước có thể không còn hoạt động hiệu quả. Các chương trình như tem phiếu thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, Elon Musk và các công ty của ông, gồm cả SpaceX và Tesla, nhận hàng tỉ USD từ các hợp đồng liên bang. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng khách quan khi ông vừa tham gia quản lý DOGE vừa có thể hưởng lợi trực tiếp từ các quyết định của mình.
Các chuyên gia về đạo đức và quản lý công cho rằng DOGE hiện chưa rõ liệu có tuân thủ Đạo luật Ủy ban Cố vấn liên bang, vốn yêu cầu các khuyến nghị và hành động phải công khai hay không. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng giám sát công khai. Các kế hoạch đầy tham vọng của Elon Musk và Ramaswamy có thể đối mặt với các rào cản pháp lý và chính trị nghiêm trọng, làm giảm tính khả thi thực tế. Nếu không có các quy định giám sát chặt chẽ, DOGE có thể trở thành một công cụ phục vụ lợi ích cá nhân hoặc chính trị.
DOGE không chỉ là phép thử cho khả năng quản lý của Elon Musk và Ramaswamy mà còn là bài kiểm tra cho tương lai chính trị của Tổng thống Donald Trump. Nếu thành công, DOGE có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong cách quản lý chính phủ Mỹ. Nếu thất bại, dự án này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ mà còn làm suy giảm niềm tin vào khả năng lãnh đạo của những người đứng đầu.