Smartphone Mate 70 Pro+ mới của Huawei chứa chip có thiết kế chỉ cải tiến nhỏ so với phiên bản trước, trái với sự kỳ vọng, được sản xuất trên quy trình 7 nanomet, theo báo cáo từ hãng nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights (Canada) hôm 11.12.
Thế giới số

TechInsights: Chip Huawei Mate 70 Pro+ chỉ mang đến cải tiến nhỏ, không sản xuất trên quy trình 5 nanomet

Sơn Vân 11/12/2024 22:50

Smartphone Mate 70 Pro+ mới của Huawei chứa chip có thiết kế chỉ cải tiến nhỏ so với phiên bản trước, trái với sự kỳ vọng, được sản xuất trên quy trình 7 nanomet, theo báo cáo từ hãng nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights (Canada) hôm 11.12.

Khi tháo rời Huawei Mate 70 Pro+, TechInsights phát hiện chip Kirin 9020 được chế tạo bởi SMIC, tương tự Kirin 9010 trong dòng Pura 70 trình làng hồi tháng 4. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.

Việc Huawei không có thay đổi lớn về chip đã bác bỏ những tin đồn rằng dòng Mate 70 sẽ sử dụng chipset được sản xuất trên quy trình 5 nanomet tiên tiến hơn, theo TechInsights.

"Chip Kirin 9020 không phải là một thiết kế mới đột phá mà chỉ là sự cải tiến nhỏ so với phiên bản trước đó, Kirin 9010. Điều này cho thấy HiSilicon đang tập trung tinh chỉnh các thiết kế hiện có của mình, đồng thời tận dụng khả năng SMIC trong sản xuất bán dẫn tiên tiến", công ty Canada nhận định.

HiSilicon là bộ phận phát triển và thiết kế chip của Huawei.

Những phát hiện này gợi ý rằng Huawei có thể đang gặp khó khăn trong việc đạt được những bước đột phá mới trong sản xuất chip sau khi làm ngành công nghiệp ngạc nhiên vào năm ngoái với Mate 60 chứa chip Kirin 9000s, được sản xuất theo quy trình 7 nanomet, hỗ trợ 5G, bất chấp nhiều năm bị Mỹ cấm vận.

Năm ngoái, TechInsights cho rằng SMIC sản xuất được chip 7 nanomet bằng cách điều chỉnh các máy quang khắc tia cực tím sâu (DUV) mà hãng này vẫn có thể mua tự do từ ASML (Hà Lan). ASML là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, SMIC đang bị hạn chế bởi việc thiếu các thiết bị quang khắc tiên tiến hơn, làm giới hạn khả năng cải thiện hiệu suất và sản lượng chip, theo hãng tin Reuters.

Kể từ năm 2020, Mỹ đã cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ in thạch bản cực tím (EUV) từ ASML, vốn được dùng để sản xuất các bộ xử lý tinh vi nhất thế giới.

TechInsights đã phát hiện một số thay đổi đáng chú ý trong bố cục mạch của Kirin 9020 nhằm tăng cường hiệu suất và hiệu quả, đồng thời vẫn giữ được khả năng tương thích với quy trình 7 nanomet của SMIC. Kích thước Kirin 9020 cũng lớn hơn 15% so với Kirin 9010, TechInsights cho biết.

Tuần trước, một lãnh đạo Huawei thông báo đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ với dòng Mate 70 và công ty nỗ lực để đáp ứng đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định sự hào hứng của người tiêu dùng với dòng Mate 70 đã giảm so với Mate 60.

Theo các nhà phân tích, doanh số dòng Mate 70 ​​sẽ không được như dòng Mate 60 năm ngoái, với lý do là hiệu năng bộ xử lý mới không cao, không hỗ trợ ứng dụng Android và rủi ro chuỗi cung ứng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Dòng Mate 70 ra mắt hôm 26.11 tại một sự kiện ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi Richard Yu Chengdong (Chủ tịch nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei) đã ca ngợi chúng là "những chiếc điện thoại Mate mạnh mẽ nhất trong lịch sử".

Richard Yu Chengdong không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào về bộ xử lý dòng Mate 70 và lý do tại sao việc phát hành các smartphone mới này lại bị trì hoãn đến sau Ngày Độc thân (11.11), lễ hội mua sắm thường niên lớn nhất thế giới.

Tại sự kiện trình làng dòng Mate 70, Huawei nhấn mạnh các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ điều hành di động HarmonyOS Next tự phát triển mà công ty cho biết cung cấp hiệu suất tốt hơn 40% so với dòng Mate 60.

Dòng smartphone mới gồm Mate 70, Mate 70 Pro, Mate 70 Pro+ và Mate 70 RS, sở hữu bộ xử lý Kirin 9010 và 9020, theo báo cáo từ TechInsights. TechInsights cho biết Kirin 9010 và 9020 có hiệu năng kém hơn các bộ xử lý mới nhất của Qualcomm và MediaTek.

"Dù có những cải tiến về phần cứng và các tính năng AI mới, việc Huawei phát hành dòng Mate 70 chậm trễ và cập nhật chipset khiêm tốn có thể hạn chế doanh số bán hàng", các nhà phân tích Peng Peng và Linda Sui thuộc TechInsights nhận định trong báo cáo.

TechInsights dự đoán ​​doanh số dòng Mate 70 sẽ chỉ đạt 3 triệu chiếc vào quý 4/2024, chiếm khoảng 22% tổng số doanh số smartphone của Huawei trong giai đoạn này.

Ngoài nâng cấp khiêm tốn về chip, TechInsights dự báo sức hấp dẫn của dòng Mate 70 sẽ bị hạn chế bên ngoài Trung Quốc vì Harmony OS Next không hỗ trợ các ứng dụng Android.

Huawei cho biết tất cả smartphone và máy tính bảng của hãng ra mắt vào năm 2025 sẽ chạy HarmonyOS Next, khi đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp công nghệ.

Dòng Mate 70 lên kệ tại Trung Quốc vào ngày 4.12, nhưng Huawei vẫn chưa tiết lộ bất cứ kế hoạch bán hàng nào ở nước ngoài.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, tổng doanh số dòng Mate 70 có thể ​​sẽ vượt quá 10 triệu chiếc trong suốt vòng đời của nó.

chip-huawei-mate-70-pro-chi-mang-den-cai-tien-nho-khong-san-xuat-tren-quy-trinh-5-nanomet.jpg
Khách hàng xem dòng Mate 70 tại một cửa hàng hàng đầu của Huawei ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ngành công nghiệp này từng theo dõi chặt chẽ việc phát hành dòng Mate 70 để có thông tin chi tiết về tiến trình phát triển chip của Huawei. Năm ngoái, Huawei khiến các nhà phân tích ngạc nhiên khi tích hợp chip Kirin 9000s vào dòng Mate 60 của mình.

Dòng Mate 60 đã khơi dậy lòng yêu nước trong nước, giúp đảo ngược doanh số smartphone đang giảm sút của Huawei, cho phép công ty này cạnh tranh với Apple và các đối thủ trong nước như Xiaomi, Vivo, Oppo.

Ra mắt hồi tháng 4, dòng Pura 70 đã giúp Huawei trở lại top các thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số bán hàng toàn cầu của Huawei ở ba quý đầu năm 2024 đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 90% đến từ Trung Quốc đại lục.

"Do không hỗ trợ các ứng dụng Android, Huawei có thể tối ưu hóa HarmonyOS bằng cách tập trung hoàn toàn vào việc cải thiện hiệu suất chip Kirin tự phát triển, mang đến trải nghiệm người dùng nhất quán, đẩy nhanh quá trình tích hợp các hệ thống AI trên thiết bị và đám mây, tương tự như những gì Apple làm với iOS", các nhà phân tích Mengmeng Zhang và Archie Zhang của Counterpoint Research nhận định.

Tuy nhiên, họ nói thêm rằng Huawei sẽ cần thời gian để mở rộng cộng đồng nhà phát triển và xây dựng một hệ sinh thái cạnh tranh cho hệ điều hành này.

Dù có thể không đạt doanh số cao như Mate 60, dòng Mate 70 sẽ củng cố thêm vị thế của Huawei trên thị trường smartphone lớn nhất thế giới, khi hãng tìm cách giành lại thị phần đã mất sau khi bị Mỹ trừng phạt vào năm 2019. Huawei từng vượt qua Samsung Electronics và Apple trong thời gian ngắn về doanh số smartphone toàn cầu trước khi lệnh trừng phạt từ Mỹ làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại di động của hãng.

“Lệnh trừng phạt chip mới từ Mỹ có lỗ hổng để Huawei khai thác”

SMIC và Huawei đối mặt thêm khó khăn trong việc tạo ra chip tiên tiến sau lệnh trừng phạt mới với ngành bán dẫn Trung Quốc từ chính quyền Biden hôm 2.12.

Dù vậy, theo Dân biểu John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ, cho rằng các quy định của chính quyền Biden để lại lỗ hổng cho phép các công ty Trung Quốc như Huawei tiếp tục mua công nghệ Mỹ.

Ông bày tỏ mối quan ngại của mình trong lá thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo hôm 5.12. John Moolenaar cho biết một số phần của lệnh kiểm soát xuất khẩu mới này tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc tránh được lệnh trừng phạt, đề cập đến quy định áp dụng hạn chế khác nhau với các cơ sở sản xuất của SMIC.

Song song đó, John Moolenaar ca ngợi các biện pháp khác, như hạn chế xuất khẩu chip nhớ băng thông cao, vốn rất cần thiết cho AI, nhưng đặt câu hỏi tại sao chính quyền Joe Biden lại không có hành động nào chống lại ChangXin Memory Technologies (CXMT), công ty đang cố gắng phát triển công nghệ chip nhớ AI.

Một số quan chức chính quyền Biden đã thúc đẩy việc thêm CXMT vào danh sách đen thương mại, trang Bloomberg đưa tin, nhưng lệnh hạn chế mới nhất không mạnh mẽ như các biện pháp từng được cân nhắc trước đó.

John Moolenaar yêu cầu các quan chức Bộ Thương mại Mỹ "lưu giữ tất cả tài liệu và thông tin liên lạc" liên quan đến các biện pháp kiểm soát mới, để đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể "xác định đúng bất kỳ lỗ hổng nào khác". Điều này ám chỉ rằng đảng Cộng hòa có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025.

Các quy tắc này dựa trên nhiều năm hạn chế thương mại nhắm vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, gồm hạn chế chip nhớ, thiết bị sản xuất bán dẫn và chip logic tiên tiến, đóng vai trò là bộ não của các thiết bị.

Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ dưới chính quyền Biden thêm 384 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, bằng con số mà ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình. Trong số đó có hơn 100 hãng cung cấp công cụ sản xuất chip Trung Quốc bị thêm danh sách đen hôm 2.12. Những công ty Trung Quốc này bị cấm mua công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép từ chính phủ.

Thế nhưng, John Moolenaar cho biết: “Các yêu cầu cấp phép cụ thể áp dụng cho một số nhà cung cấp của Huawei đặt ra những câu hỏi thực sự về văn hóa tại Cục Công nghiệp và An ninh và lý do tại sao Cục này tiếp tục tạo điều kiện để các lô hàng công nghệ Mỹ đến các công ty Trung Quốc”. Ví dụ, các quy tắc thực sự từ chối tất cả lô hàng chip đến cơ sở của SMIC ở Bắc Kinh, nhưng lại cho phép bán “theo từng trường hợp” các mặt hàng cụ thể đến SMIC tại Thượng Hải, John Moolenaar cho hay.

Các quy tắc cũng hơi khác nhau với ba nhà sản xuất chip có liên kết với Huawei: Qingdao Si'En, SwaySure và Shenzhen Pensun Technology (PST). Trong khi lệnh trừng phạt Qingdao Si’En áp dụng chính sách “giả định từ chối” với các đơn xin giấy phép, hai hãng Trung Quốc còn lại sẽ được xem xét “từng trường hợp cụ thể” với công nghệ không thuộc phạm vi các kiểm soát xuất khẩu rộng hơn của Mỹ.

“Không có lý do về an ninh quốc gia nào biện minh cho những lỗ hổng này”, John Moolenaar viết. Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này đã “nhận được thư và sẽ phản hồi thông qua các kênh thích hợp”.

Trong năm nay, John Moolenaar cùng Dân biểu Raja Krishnamoorthi, đảng viên Dân chủ hàng đầu thuộc Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc, thúc đẩy Cục Công nghiệp và An ninh trừng phạt một số công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen hôm 2.12. Bộ đôi này cũng trực tiếp vận động chính phủ Nhật Bản tăng cường kiểm soát xuất khẩu thiết bị bán dẫn.

Mỹ đã hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để phối hợp áp dụng các hạn chế ảnh hưởng đến tất cả nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, gồm ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cùng Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan).

Về phần mình, Raja Krishnamoorthi hài lòng với cách tiếp cận của chính quyền Biden. Ông tuyên bố các biện pháp nhắm mục tiêu không chỉ gây tổn hại đến "khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến có thể được dùng trong nhiều công nghệ quân sự Trung Quốc mà còn cản trở sự phát triển của họ với các công nghệ cao cấp khác, gồm cả AI, có thể được sử dụng cho các mục đích xấu".

Bài liên quan
SMIC và các công ty Trung Quốc tăng năng lực sản xuất chip do sợ lệnh trừng phạt mới từ Mỹ
Các hãng sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Group, đang tăng công suất trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt công nghệ mới từ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công tác cán bộ liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ, của đất nước
5 giờ trước Sự kiện
Sáng 16.2, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TechInsights: Chip Huawei Mate 70 Pro+ chỉ mang đến cải tiến nhỏ, không sản xuất trên quy trình 5 nanomet