Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, có 31 trường ĐH, CĐ công bố đề án tuyển sinh riêng, nếu được Bộ chấp thuận, các trường này sẽ tuyển sinh theo các phương án mới ngay trong năm nay. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh các đề án này.

‘Được xét tuyển ĐH từ kết quả phổ thông’

Một Thế Giới | 12/02/2014, 07:01

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, có 31 trường ĐH, CĐ công bố đề án tuyển sinh riêng, nếu được Bộ chấp thuận, các trường này sẽ tuyển sinh theo các phương án mới ngay trong năm nay. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh các đề án này.

Có thể sửa đổi quy chế tuyển sinh cho phù hợp

Theo đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường này vẫn thi “3 chung” nhưng không nhận hồ sơ của thí sinh thi nhờ (dự thi vào trường này nhưng lấy kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường khác). Điều này có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và vi phạm quy chế thi hiện hành hay không, thưa ông?

Năm nay, Bộ đã cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh, vì vậy những trường có đề án tuyển sinh riêng sẽ được tuyển theo cách riêng của mình mà không phải tuân thủ quy chế thi “3 chung” như trước đây.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tham gia thi “3 chung” nhưng thực hiện sơ tuyển trước khi thi, vì thế chỉ những thí sinh qua vòng sơ tuyển mới được nộp hồ sơ dự thi vào trường. Quy trình nộp hồ sơ của trường cũng có nhiều thay đổi nên những thí sinh muốn thi nhờ sẽ không nộp được hồ sơ theo phương án của trường. Nếu các đề án được triển khai thì quy chế thi năm nay cũng sẽ phải sửa đổi theo những tình hình mới. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với những trường có đề án riêng chứ không phải trường nào cũng được thực hiện. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh vì các em còn nhiều cơ hội đăng ký thi nhờ ở các trường khác.

Trừ một vài trường văn hóa nghệ thuật, hầu hết các đề án tuyển sinh riêng đã được công bố thì không có trường nào thật sự thi riêng mà vẫn tham gia thi hoặc xét tuyển từ kết quả của kỳ thi “3 chung”. Các trường chủ yếu thực hiện xét tuyển những ngành khó tuyển từ kết quả THPT của thí sinh. Bộ có chấp thuận những đề án đó hay không?

Đúng là có không ít đề án đề nghị lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, đặc biệt là ở những ngành khó tuyển. Theo tôi, những phương án này là phù hợp vì đây là năm đầu tiên thí điểm thi riêng, các trường chỉ áp dụng ở một số ngành có ít thí sinh đăng ký để rút kinh nghiệm. Đối với những ngành khó tuyển sinh mà xã hội đang cần đào tạo thì việc áp dụng phương pháp xét tuyển cũng sẽ là cơ hội để tuyển được thí sinh.

Phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng

Như vậy Bộ chấp thuận việc dùng kết quả tốt nghiệp THPT để làm chuẩn xét tuyển vào ĐH, trong khi kết quả này trên thực tế chưa được xã hội tin tưởng. Điều này có mâu thuẫn với chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo hay không?

Sử dụng kết quả học tập phổ thông để xét tuyển vào ĐH là quyền của các trường. Nghị quyết đổi mới GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH được kết hợp sử dụng kết quả học tập phổ thông để làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả đó như thế nào để đảm bảo chất lượng là điều cần quan tâm. Vì vậy, trong đề án tuyển sinh riêng, Bộ yêu cầu mỗi trường phải đưa ra được ngưỡng đảm bảo chất lượng. Ngưỡng đó phải đảm bảo xét tuyển được những thí sinh có chất lượng chứ không phải là chỉ tốt nghiệp THPT là được xét tuyển vào ĐH. Ngưỡng đó tối đa cũng chỉ cho phép khoảng 60% thí sinh tốt nghiệp THPT đủ điều kiện xét tuyển (điểm tốt nghiệp và kết quả học tập THPT từ 6 hoặc 6,5 trở lên).

Khả năng có bao nhiêu trường được thực hiện đề án tuyển sinh riêng trong năm nay, thưa ông?

Hầu hết những đề án được công bố là đã có sự tham gia đóng góp ý kiến của Bộ, vì vậy khả năng được triển khai là rất cao. Kế hoạch ban đầu ngày 10.2 là thời hạn cuối nhận đề án tuyển sinh riêng để Bộ xem xét và quyết định trước 10.3. Tuy nhiên, do Tết Nguyên đán nghỉ dài nên sẽ lùi lại đến khoảng cuối tháng 2. Khi chính thức ban hành quy định về việc tuyển sinh, Bộ sẽ thông báo thời gian này. Dự kiến, năm nay sẽ có khoảng hơn 20 trường thực hiện đề án tuyển sinh riêng, trong đó có 10 trường văn hóa nghệ thuật đã được thực hiện từ năm 2013.

3 vấn đề tiếp tục nghiên cứu

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong quá trình lấy ý kiến về đổi mới tuyển sinh, ngoài các ý kiến đồng thuận, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra. Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến và nghiên cứu triển khai nếu được xã hội đồng thuận.

Thứ nhất, với kỳ thi "3 chung" năm 2014 nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ hai, theo quy định kỳ thi "3 chung" hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, nên chăng tổ chức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp.

Thứ ba, nên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Khi đó, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

V.Thơ - T.Nguyễn (ghi)

Theo Vũ Thơ (Thanh Niên)
Ảnh bìa: Có khả năng nhiều trường thi riêng sẽ được sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí xét tuyển vào ĐH, CĐ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Được xét tuyển ĐH từ kết quả phổ thông’