Tôi là chuyên gia y tế đầu tiên nghe Arthur tả lại cách ông nuôi đứa trẻ, bởi đáng buồn thay cho Justin, tôi chính là người đầu tiên hỏi về chuyện đó.
Văn hóa

'Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó' - Kỳ 2: Cám ơn bác sĩ Perry. Justin

Hạ Vĩ 17/08/2024 13:47

Tôi là chuyên gia y tế đầu tiên nghe Arthur tả lại cách ông nuôi đứa trẻ, bởi đáng buồn thay cho Justin, tôi chính là người đầu tiên hỏi về chuyện đó.

“Nó lại sắp ném đồ đấy”

Sau khi hỏi chuyện Arthur, đọc hồ sơ của Justin và quan sát hành vi của cậu bé, tôi nhận ra rằng rất có khả năng một số vấn đề cậu bé gặp phải không hẳn là do các khiếm khuyết tự nhiên. Có thể cậu bé không nói được vì hiếm khi có người nào nói chuyện với em. Trong khi một đứa trẻ bình thường ở tuổi lên ba đã được nghe khoảng ba triệu từ, Justin hẳn chỉ được tiếp xúc với số lượng từ ngữ ít hơn thế rất nhiều. Có thể Justin không đi được vì không có ai dang tay đỡ em dậy và khích lệ em. Có thể cậu bé không biết dùng muỗng nĩa vì trước giờ chưa từng được cho cầm thử. Tôi quyết định tiếp cận Justin với hy vọng rằng những khiếm khuyết em gặp phải chỉ là do thiếu các kích thích phù hợp – về bản chất là thiếu cơ hội phát triển chứ không phải do không có khả năng.

Các y tá quan sát cảnh tôi cẩn trọng tiến về phía chiếc cũi của Justin. “Nó lại sắp ném đồ đấy”, một người nói với vẻ hoài nghi pha chút đùa cợt. Tôi cố di chuyển thật chậm. Tôi muốn cậu bé quan sát mình. Tôi đoán cử động chậm rãi kỳ lạ của tôi sẽ khiến cậu bé chú ý. Tôi không nhìn Justin. Tôi biết giao tiếp bằng mắt có thể khiến con người cảm thấy bị đe dọa, giống như nhiều loài động vật khác. Tôi kéo tấm rèm che quanh cũi của em, sao cho cậu bé chỉ có thể nhìn thấy tôi hoặc quầy y tá. Bằng cách này, cậu bé sẽ ít bị phân tâm bởi những đứa trẻ ở xung quanh.

Tôi cố gắng hình dung thế giới từ góc nhìn của Justin. Cậu bé vẫn còn yếu, chứng viêm phổi vẫn chưa khỏi hoàn toàn. Cậu bé có vẻ hoảng sợ và hoang mang; em không hiểu gì về lãnh địa xa lạ đầy hỗn loạn mà mình bị đưa đến. Ít nhất chiếc chuồng chó ở nhà cậu bé còn có chút thân quen; cậu bé biết rõ những chú chó xung quanh và biết chúng sẽ phản ứng thế nào. Và tôi cũng chắc rằng cậu bé đang rất đói bụng, vì em đã ném bỏ phần lớn thức ăn trong ba ngày qua. Khi tôi bước lại gần, em gầm gừ, bò vòng quanh không gian chật hẹp trong nôi và rít lên một tiếng.

97e12e4d-627e-47f3-9756-d026ab879001.jpeg

Tôi cố hết sức không tạo ra bất cứ tín hiệu đe dọa nào: không di chuyển đột ngột, không nhìn thẳng vào mắt cậu bé, cố nói bằng tông giọng thấp, trầm bổng như một bài hát ru. Tôi tiến lại gần như cách người ta tiếp cận một đứa bé đang hoảng loạn hay một con thú đang khiếp sợ.

Cậu bé ngừng bò vòng quanh cũi. Tôi có thể nghe được tiếng thở của cậu bé: những âm thanh khò khè hổn hển. Cậu bé hẳn đang thấy đói lả. Tôi thấy trên khay đồ ăn trưa có một chiếc bánh xốp nướng, ngoài tầm với của Justin nhưng vẫn trong tầm nhìn của cậu bé. Tôi tiến về phía đó. Justin gầm gừ lớn và gấp gáp hơn. Tôi cầm chiếc bánh xốp, bẻ một mẩu nhỏ rồi chậm rãi bỏ vào miệng và nhai thành tiếng, cố tình tỏ ra mình đang ăn rất ngon miệng và thỏa mãn.

“Mmmm, ngon lắm đấy Justin. Con có muốn ăn một chút không?”, tôi vừa nói vừa chìa tay ra. Tôi tiến lại gần hơn, đủ gần để cậu bé có thể rướn tới tay tôi và lấy đồ ăn. Tôi giữ nguyên tư thế, duy trì giọng điệu vui tươi và giữ chiếc bánh trước mặt cậu bé. Khoảng lặng lúc ấy kéo dài như hàng tiếng đồng hồ, nhưng thật ra chỉ chưa đầy ba mươi giây sau, cậu bé đã ngần ngừ thử với tay ra khỏi chiếc cũi. Được nửa đường, em chợt ngừng lại và rút tay về. Dường như cậu bé đang lấy hơi. Và rồi, bất thình lình cậu bé vươn tới giật lấy chiếc bánh xốp và lùi vào trong cũi. Em nép vào một góc xa nhất trong cũi và quan sát tôi. Justin bắt đầu ăn. Tôi vẫy tay tạm biệt cậu bé và chậm rãi bước về quầy y tá.

“Chà, anh cứ chờ một phút đi rồi thằng bé sẽ lại la hét và ném đồ lung tung cho xem”, một y tá nói, có vẻ hơi thất vọng vì cậu bé đã không bộc lộ những hành vi “hư đốn” trước mặt tôi.

“Tôi đoán thế”, tôi đáp khi rời khỏi đó.

Thói quen ngửi để đánh hơi

Tôi biết rằng chuyện đầu tiên tôi cần làm là mang đến cho cậu bé một môi trường sống yên ổn và hạn chế những kích thích giác quan quá mức. Chúng tôi chuyển Justin đến một căn phòng “riêng tư” tại PICU. Sau đó chúng tôi cũng cắt giảm tối đa số lượng nhân viên y tế tiếp xúc với em. Chúng tôi bắt đầu tiến hành trị liệu vật lý, hoạt động, và âm ngữ/ngôn ngữ cho cậu bé. Chúng tôi cử một chuyên viên khoa tâm thần đến gặp em mỗi ngày, và chính tôi cũng đến thăm khám cho Justin hằng ngày.

Justin tiến bộ nhanh một cách đáng kinh ngạc. Tình trạng của cậu bé được cải thiện từng ngày. Mỗi ngày, cậu bé cảm thấy an toàn hơn. Justin đã ngừng việc ném thức ăn và bốc chất thải. Cậu bé bắt đầu biết cười. Các biểu hiện của Justin cho thấy cậu bé có khả năng nhận biết và hiểu được các yêu cầu bằng lời. Chúng tôi nhận ra cậu bé đã tiếp nhận một số kích thích mang tính xã hội và biểu lộ tình cảm từ các chú chó sống cùng mình; bởi chó vốn là loài động vật có tính xã hội cực kỳ cao và có hệ thống thứ bậc phức tạp trong đàn. Đôi khi cậu bé có cách phản ứng khi gặp người lạ y hệt phản ứng của một chú chó sợ sệt: tiến lại gần đầy thăm dò, rụt lại phía sau và rồi từ từ tiến đến lần nữa.

3931d8b1-5aa0-4406-b052-d43534da7008.jpeg

Thời gian trôi qua, Justin bắt đầu thể hiện tình cảm với tôi và nhiều nhân viên khác trong nhóm. Cậu bé thậm chí còn bắt đầu thể hiện các dấu hiệu của tính hài hước. Chẳng hạn, cậu bé biết rằng các nhân viên sẽ rất hoảng hốt khi mình bắt đầu “ném phân”. Vậy nên, một lần khi có người cho Justin một thanh sô-cô-la, cậu bé đã để thanh kẹo chảy ra trong lòng bàn tay mình và giơ tay lên như thể em sắp sửa ném nó. Mọi người xung quanh lập tức lùi lại và em bật cười nắc nẻ. Chính khiếu hài hước nguyên sơ, ngây ngô này đã cho thấy cậu bé hiểu được tác động từ những hành vi của bản thân lên người khác và có sự kết nối với họ – và điều đó đã thắp lên trong tôi hy vọng về khả năng biến chuyển ở em.

Tuy vậy, vào thời điểm mới bắt đầu, các đồng nghiệp đã cho rằng tôi đang lãng phí nguồn lực của bệnh viện khi yêu cầu các chuyên viên vật lý trị liệu cố gắng giúp Justin tập đứng thẳng và cải thiện sức mạnh cũng như khả năng kiểm soát vận động tinh lẫn thô. Thế nhưng chỉ trong vòng một tuần, Justin đã ngồi được trên ghế và có thể đứng dậy khi được trợ giúp. Đến tuần thứ ba, cậu bé đã đi được những bước đầu tiên.

Sau đó, một chuyên viên trị liệu bằng hoạt động đã giúp em học cách kiểm soát các vận động tinh và thực hiện các hoạt động chăm sóc cơ thể cơ bản: tự mặc quần áo, cầm thìa để ăn hay dùng bàn chải đánh răng. Dù nhiều trẻ em gặp phải tình trạng bị bỏ bê cũng thường ngửi và liếm thức ăn hay ngửi và liếm người khác, nhưng thói quen ngửi để đánh hơi ở Justin khá nghiêm trọng và dường như có liên quan đến những năm tháng cậu bé sống cùng các con chó. Cậu bé cần được dạy lại rằng làm thế không phải lúc nào cũng phù hợp.

Cùng khoảng thời gian này, các chuyên viên trị liệu âm ngữ và ngôn ngữ đã giúp cậu bé tập nói, để em tiếp xúc với những từ ngữ mà em bỏ lỡ suốt thời ấu thơ. Những mạng lưới thần kinh từng có lúc “ngủ đông” và kém phát triển nay bắt đầu phản ứng với những khuôn mẫu kích thích mới mẻ được lặp đi lặp lại. Não bộ của em như một miếng bọt biển – khao khát những trải nghiệm thiết yếu và hấp thu nhanh chóng mọi kiến thức mới.

Sau hai tuần, Justin đã hồi phục sức khỏe và được cho xuất viện. Cậu bé được đưa đến một mái ấm tạm thời. Vài tháng sau đó, cậu bé tiếp tục đạt được sự tiến bộ đáng kinh ngạc. Đây là một trong những ca hồi phục sau tình trạng bị bỏ bê nghiêm trọng nhanh nhất mà chúng tôi từng chứng kiến và nó đã thay đổi góc nhìn của tôi về tiềm năng tiến triển của trẻ em sau thời gian bị bỏ bê lúc nhỏ. Tôi bắt đầu lạc quan hơn về tiên lượng hồi phục ở các trẻ em bị bỏ mặc.

Khoảng hai năm sau khi Justin được xuất viện, phòng khám của chúng tôi nhận được một lá thư gửi đến từ một thị trấn nhỏ. Lúc này cậu bé đã lên 8 và đang chuẩn bị đi học mẫu giáo. Đính kèm theo lá thư là một bức ảnh chụp Justin trong bộ đồng phục, tay ôm một hộp đồ ăn trưa, đeo ba lô, đứng cạnh xe buýt đưa rước của trường. Ở mặt sau thư, Justin đã tự tay viết bằng bút sáp màu: “Cảm ơn Bác sĩ Perry. Justin”.

Tôi đã xúc động đến rơi nước mắt.

Kỳ tới : Khi đứa trẻ không bao giờ khóc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó' - Kỳ 2: Cám ơn bác sĩ Perry. Justin