Một trong những đứa trẻ đầu tiên tiếp nhận điều trị bằng phương pháp trị liệu Thần kinh Tuần tự (liệu pháp dành cho trẻ em bị sang chấn và ngược đãi) đã trải qua tình trạng bỏ bê khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì trẻ em gặp phải.
Văn hóa

'Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Kỳ 1: Hành xử như một con vật vì được đối xử như vậy!

Hạ Vĩ 16/08/2024 11:06

Một trong những đứa trẻ đầu tiên tiếp nhận điều trị bằng phương pháp trị liệu Thần kinh Tuần tự (liệu pháp dành cho trẻ em bị sang chấn và ngược đãi) đã trải qua tình trạng bỏ bê khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì trẻ em gặp phải.

Chiếc cũi của cậu bé

Tôi gặp Justin vào năm 1995, khi cậu bé mới 6 tuổi. Cậu bé được đưa vào Phòng chăm sóc tích cực dành cho trẻ em (Pediatric Intensive Care Unit, viết tắt là PICU) và tôi được các nhân viên PICU mời đến để áp dụng “những-ngón-nghề-tâm-thần-mà-ông-thành-thục”, nhằm giúp cậu bé ngừng ném phân và thức ăn vào các chuyên viên y tế.

Tôi bước vào phòng điều dưỡng, xem bảng điều trị để tìm tên của cậu bé mà tôi được mời đến gặp. Và rồi tôi nghe thấy một tiếng rít lớn, kỳ quặc khiến tôi ngay lập tức quay sang phía một cậu bé gầy gò trong chiếc tã rộng thùng thình đang ngồi trong nôi. Chiếc nôi của Justin được rào lại bằng các thanh sắt và được chặn lại bằng một tấm ván gỗ phía trên. Thoạt nhìn, chiếc nôi trông giống như một chiếc chuồng chó, liên tưởng mà về sau tôi mới nhận ra là hết sức mỉa mai.

Justin đang đung đưa thân người, rên rỉ một giai điệu vô nghĩa để tự trấn an. Người cậu bé bốc mùi phân hôi thối, thức ăn lem luốc đầy mặt, còn tã của em thì trĩu nặng và đẫm nước tiểu. Cậu bé đang được điều trị chứng viêm phổi, nhưng lại chống cự mọi tiếp xúc và các nhân viên đã phải ghì người cậu bé xuống chỉ để lấy máu. Cậu bé giật ống truyền tĩnh mạch ra khỏi tay, la hét và gào thét với các nhân viên điều trị và ném thức ăn vào người họ.

Ở bệnh viện này, phân khu có chuyên môn gần với lĩnh vực tâm thần nhất chính là PICU (nơi mỗi bệnh nhân nhận được sự chăm sóc của nhiều nhân viên y tế), nên Justin được chuyển đến đây. Tại PICU, họ cũng đã “tân trang tạm thời” chiếc cũi của cậu bé. Và ngay khi được đặt vào trong cũi, cậu bé bắt đầu ném chất thải cũng như bất cứ thứ gì có thể chụp được. Đến lúc này, họ đành phải liên hệ các bác sĩ tâm thần.

3.jpg

Sau khi đọc qua hồ sơ của Justin, tôi mới biết những năm tháng đầu đời của Justin đã rất bất thường. Mẹ Justin sinh ra cậu bé khi mới 15 tuổi và cô đã bỏ con trai mình lại cho mẹ ruột khi cậu bé mới được 2 tháng tuổi. Mọi người đều nói bà ngoại của Justin là một phụ nữ tốt bụng, giàu tình cảm và hết mực yêu thương cháu ngoại của mình. Đáng buồn thay, sức khỏe của bà rất yếu do mắc chứng béo phì bệnh lý cùng các bệnh liên quan. Khi Justin được khoảng 11 tháng tuổi, bà phải nhập viện cấp cứu và qua đời vài tuần sau đó.

Trong thời gian bà nằm viện, người bạn trai sống chung với bà, Arthur, đã thay bà trông nom Justin. Justin bắt đầu quấy khóc thường xuyên hơn, hệ quả khi mất đi cả mẹ lẫn bà ngoại trong một thời gian ngắn. Lúc này Arthur cũng đang phải trải qua nỗi đau mất mát và ông không biết phải làm gì với một đứa trẻ khó chăm, hay quấy khóc. Hơn nữa, vốn đã gần bảy mươi tuổi, ông không còn đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để đương đầu với hoàn cảnh này. Ông gọi cho Sở Bảo vệ Trẻ em (CPS) nhờ họ tìm nơi nhận nuôi cậu bé vốn không phải máu mủ của ông.

Có vẻ CPS cho rằng Justin hiện vẫn được an toàn và đã đề nghị Arthur nhận giữ cậu bé trong lúc họ tìm một nơi nhận nuôi. Ông đồng ý. Arthur là người thụ động, nhưng nhìn chung khá kiên nhẫn. Ông đinh ninh rằng CPS sẽ nhanh chóng tìm kiếm một mái nhà mới cho Justin. Nhưng CPS vốn chỉ chú trọng xử lý các tình huống khẩn cấp, và nếu không có ai hối thúc, họ sẽ không hành động.

Được nuôi như những con vật khác

Arthur không phải một người nhẫn tâm, nhưng ông không biết gì về nhu cầu của trẻ em. Ông sống bằng nghề nhân giống chó, và đáng buồn thay, ông đã áp dụng những kiến thức trong nghề để chăm sóc đứa trẻ. Ông bắt đầu giữ Justin trong một chiếc chuồng chó. Ông cho ăn đầy đủ và thay quần áo cho đứa bé mỗi ngày, nhưng lại hiếm khi nào trò chuyện, chơi đùa, hay dành cho cậu bé bất cứ hành vi chăm sóc nào khác mà mọi cha mẹ bình thường sẽ làm với con cái họ. Justin đã sống trong chiếc chuồng ấy suốt năm năm trời, phần lớn thời gian chỉ biết bầu bạn với những con chó khác.

Nếu được chứng kiến những khoảnh khắc thoải mái, tò mò, khám phá, khi được khen thưởng, lẫn những giây phút kinh hoàng, tủi hổ và khốn khó của một đứa trẻ, chúng ta sẽ biết được rất nhiều về em, về con người hiện tại của em lẫn con người mà em có thể trở thành trong tương lai. Não bộ là một cơ quan ghi dấu lịch sử, phản ánh mọi biến chuyển trong đời chúng ta. Những năng khiếu có được nhờ di truyền sẽ chỉ bộc lộ nếu chúng ta có được những trải nghiệm phát triển phù hợp, diễn ra vào thời điểm thích hợp. Và ở giai đoạn đầu đời, những trải nghiệm như thế lại gần như được kiểm soát hoàn toàn bởi những người lớn ở xung quanh ta.

1tg-dua-tre-duoc-nuoi-trong-chuong-cho-2-.jpg

Từ bệnh án của Justin, tôi bắt đầu hình dung những gì cậu bé đã phải trải qua trong đời. Năm hai tuổi, Justin được chẩn đoán mắc “rối loạn chức năng não tĩnh” (static encephalopathy), tức cậu bé đang gặp các tổn thương não nghiêm trọng không rõ nguyên nhân và hầu như không có triển vọng cải thiện. Cậu bé được đưa đi khám vì chậm phát triển nghiêm trọng: cậu bé không biết đi và không biết bập bẹ dù chỉ một vài từ ở độ tuổi mà hầu hết trẻ em đã biết đi chập chững, hào hứng khám phá thế giới xung quanh và bắt đầu nói được cả câu dài.

Bi kịch thay, khi Arthur đưa Justin đi khám, không một ai hỏi han gì về điều kiện sống của cậu bé hay tìm hiểu về lịch sử phát triển của em. Cậu bé được xét nghiệm nhiều loại bệnh lý khác nhau và được chụp não đồ. Kết quả cho thấy cậu bé bị teo vỏ não trước và phình não thất ở vùng trung tâm não. Trên thực tế, não bộ của cậu bé trông không khác gì não của một bệnh nhân Alzheimer ở giai đoạn nặng; chu vi đầu của Justin nhỏ hơn 98% trẻ em ở cùng độ tuổi.

Với các trẻ em mắc tổn thương não nghiêm trọng như vậy, mọi người đều ngầm hiểu rằng các em sẽ không đáp ứng với mọi phương pháp điều trị. Cụ thể, các bác sĩ đã nói với Arthur rằng Justin bị tổn thương não vĩnh viễn và có thể sẽ không bao giờ đủ khả năng tự chăm sóc bản thân, vì thế mà ông quyết định ngừng tìm kiếm thêm những sự trợ giúp khác.

Có thể do tiên lượng kém khả quan này hoặc bởi không được Arthur chăm sóc thường xuyên mà Justin chưa bao giờ được can thiệp bằng âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu; bên cạnh đó, Arthur cũng không hề được cung cấp các dịch vụ xã hội tại gia dành cho người lớn tuổi. Một mình cáng đáng mọi việc, Arthur đã chăm sóc đứa trẻ hoàn toàn dựa trên hiểu biết và nhận định cá nhân của mình. Ông không có con cháu và sống cô độc phần lớn cuộc đời. Với năng lực khá hạn chế, có lẽ còn bị thiểu năng ở mức độ nhẹ, ông đã nuôi Justin như cách ông chăn nuôi những con vật khác: cho ăn, nhốt trong chuồng, huấn luyện bằng kỷ luật và thỉnh thoảng mới thể hiện tình cảm một cách trực tiếp.

Arthur không hề cố ý đối xử tàn bạo với Justin: ông để Justin và những chú chó ra khỏi chuồng mỗi ngày theo những giờ cố định để vỗ về và chơi đùa cùng. Nhưng ông không hiểu rằng Justin hành xử như một con vật vì cậu bé được đối xử như vậy, và những khi “không nghe lời”, cậu bé sẽ bị bắt quay trở vào chuồng. Phần lớn thời gian trong ngày, Justin hoàn toàn bị bỏ mặc.

Kỳ tới: “Cảm ơn Bác sĩ Perry. Justin”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
3 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Kỳ 1: Hành xử như một con vật vì được đối xử như vậy!