Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với quy định phải trích 20% tổng diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Với quy định này, những người có thu nhập thấp không thể nào trang trải nổi chi phí dịch vụ từ  40.000 – 50.000 đồng/m2 ở những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng hay khu đô thị mới Thủ Thiêm được.

“Đũa mốc” dân nghèo sao chịu nổi “mâm son” Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm!

Một Thế Giới | 21/07/2015, 07:26

Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với quy định phải trích 20% tổng diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Với quy định này, những người có thu nhập thấp không thể nào trang trải nổi chi phí dịch vụ từ  40.000 – 50.000 đồng/m2 ở những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng hay khu đô thị mới Thủ Thiêm được.

Tại khoản 3 điều 3 dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội
Quy định hiện được cho là chưa phù hợp với thực trạng của thị trường bất động sản hiện nay. Tại hội thảo về các nghị định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 17.7, nhiều doanh nghiệp không đồng tình với việc phải trích lập 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là trong bối cảnh quỹ đất của Việt Nam đang hạn hẹp cũng như nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Khó xây nhà ở xã hội ở Phú Mỹ Hưng hoặc Thủ Thiêm
Trước quy định doanh nghiệp phải trích 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho rằng sau giai đoạn suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng nhiều năm liền, nay đang có dấu hiệu khởi sắc. Để thúc đẩy thị trường, ông Châu đề nghị từ năm 2015 - 2020 chỉ nên áp dụng mức điều tiết 10%, thay vì 20%. Còn từ năm 2021, thì mới điều tiết lên 20%.
Ông Châu cũng thừa nhận đề xuất này khó được Quốc hội thông qua bởi vấn đề 20% đã thông qua từ 2 trước đó. Tuy nhiên, HoREA vẫn cho rằng thị trường mới hồi phục, mức thu 20% quỹ đất là nhiều so với thời điểm hiện tại.
“Dua moc” dan ngheo sao chiu noi “mam son” Phu My Hung, Thu Thiem!-hinh-anh-1
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) (Ảnh: Phan Diệu)
“Trong dự thảo, khu đất từ 10 ha trở lên bắt buộc phải xây nhà ở xã hội ở trong khu đất đó, chúng tôi đề nghị không nên bắt buộc như thế. Chẳng hạn như tại Phú Mỹ Hưng. Chúng ta không thể xây nhà ở xã hội ở khu Phú Mỹ Hưng 400 ha được. Ngay cả khu đô thị mới Thủ Thiêm là 900 ha, thành phố cũng không xây khu tái định cư trong đó, mà xây sát bên cạnh.
Bất cứ dự án nào cũng tham gia xây dựng nhà ở xã hội, cái này đúng. Tuy nhiên, cũng nên điều chỉnh lại để doanh nghiệp có quyền chọn lựa. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp đồng ý thì có thể xây tại dự án. Thứ 2, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì có thể lấy dự án khác thay thế với giá trị tương đương. Thứ 3, nếu không có quỹ đất khác thay thế thì có thể đổi bằng tiền.
Nhà nước phải có chiến lược phát triển nhà ở xã hội và các dự án này phải theo quy hoạch. Các dự án đó cần tiền thì số tiền đóng 20% bổ sung vào nguồn tiền để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Ví dụ 5000m2, bảo 20%, tức là phải có 1000m2 ở trong đó làm nhà ở xã hội là không phù hợp. Cái này cần quy định rõ hơn” ông Châu lý giải.
Doanh nghiệp tìm cách né
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết quy định về nhà ở xã hội đã có từ năm 2005, tuy nhiên đến nay số lượng các dự án này không nhiều. Đặc biệt là tại TP.HCM, các dự án này không có đáng bao nhiêu. Ông Đực cho rằng đây là sự thất bại rất lớn trong chương trình nhà ở xã hội.
“Chúng ta không có chiến lược đúng đắn, không có một tổ chức, không có người chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể bắt doanh nghiệp cứ trích 20% là được. Như anh Châu nói, có ai ở nhà ở xã hội mà dám qua Phú Mỹ Hưng sống không? Những người ở nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp, họ không thể nào trang trải nổi chi phí dịch vụ từ 40.000 – 50.000 đồng/m2 ở những khu đô thị như thế này.
Tôi đề nghị chúng ta nên xem lại Nghị định nhà ở xã hội có phù hợp hay không, không nên ép doanh nghiệp cứ 20%. Chính sách đã có nhưng nguồn cung quá ít, nhà đầu tư cũng không mặn mà tham gia. Đây là một sự thất bại lớn vì lợi nhuận không cao mà thủ tục hành chính quá rườm rà.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chọn hướng đầu tư nhà ở cho thuê hơn là nhà ở xã hội. Doanh nghiệp chấp nhận đầu tư nhà ở xã hội cho địa phương, nhưng phải ở một vị trí khác chứ không nằm chung trong một khu dự án thương mại”, ông Đực chia sẻ.
Thiếu quỹ đất, doanh nghiệp cần chia sẻ
Trả lời kiến nghị của HoREA, ông Huỳnh vũ Đông Phương - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành cho biết quy định trích 20% nhà ở xã hội là ưu ái cho người dân. Ông Phương thừa nhận nhà nước nếu có tiền thì đã làm nhà ở xã hội cho dân chứ không bắt doanh nghiệp gánh. Bên cạnh đó, nhà nước quyết định không thu tiền sử dụng đất ở lĩnh vực này rồi thì doanh nghiệp cũng nên phải chia sẻ.
“Dua moc” dan ngheo sao chiu noi “mam son” Phu My Hung, Thu Thiem!-hinh-anh-2
Ông Lê Hoàng Châu và Huỳnh Vũ Quốc Phương tại hội thảo (Ảnh: Phan Diệu) 
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho biết nguyên tắc nhà ở xã hội gắn với nhà ở thương mại là nguyên tắc xuyên suốt. Hiện nay quỹ đất ở nội đô không còn nhiều, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, nếu muốn xây dựng nhà ở xã hội thì phải đưa ra ngoài. Nếu muốn ra ngoài, đưa dân ra ở thì phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì khó và không có tiền để đầu tư.
“Dua moc” dan ngheo sao chiu noi “mam son” Phu My Hung, Thu Thiem!-hinh-anh-3
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và ông Lê Hoàng Châu (Ảnh: Phan Diệu)
 “Tùy vào hoàn cảnh của từng địa phương, từng dự án sẽ có điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, địa phương đó cần phải báo cáo với Thủ tướng xem có phù hợp hay không, có thể bù vào quỹ đất ở chỗ khác hay không và làm sao phải đảm bảo được chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia”, ông Ninh cho biết thêm.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đũa mốc” dân nghèo sao chịu nổi “mâm son” Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm!