“Người nước ngoài thì chỉ cần có visa nhập cảnh và bản cam kết không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao. Còn visa chỉ cấp một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam” - ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.

Nhập cảnh một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam

Một Thế Giới | 18/07/2015, 15:23

“Người nước ngoài thì chỉ cần có visa nhập cảnh và bản cam kết không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao. Còn visa chỉ cấp một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam” - ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.

Ngày 17.7 tại TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phối hợp cùng Vụ Kinh tế ngành, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) tổ chức hội thảo về các dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Làm khó chủ đầu tư
Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng dự thảo Luật Nhà ở còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, trong dự thảo của Nghị định có nói rằng thời hạn sở hữu nhà đối với người nước ngoài nếu mua lại của người nước ngoài thì chỉ được sở hữu thời gian còn lại. Thời gian người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam là 50 năm. Nếu như một căn nhà đã ở 10 năm, nay người nước ngoài mua lại thì chỉ được sở hữu 40 năm còn lại. Ông Châu bảo chi tiết này không hợp lý.
“HoREA đề nghị rằng người nước ngoài khi mua lại nhà phải được đổi qua giấy chứng nhận, sổ đỏ mới và công nhận 50 năm, còn nói chỉ được ở 40 năm như trường hợp trên là không hợp lý”.
Ngoài ra, ông Châu cũng nêu, theo quy định của Luật Nhà ở, số lượng nhà ở của người nước ngoài được sở hữu chỉ 30% trong 1 tòa nhà, không được quá 30 % trong 1 cụm, tòa nhà chung cư và không quá 250 căn trong đơn vị phường cũng chưa hợp lý.
“ Chính phủ nên cho các trường hợp đặc thù như những nơi tập trung đông người nước ngoài và nhiều dự án cao cấp, chẳng hạn như ở phường Tân Phong, Tân Hưng (quận 7), phường Thảo Điền (quận 2), phường Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thái Bình (quận 1)… và những phường tập trung đông người nước ngoài. Những phường đó nếu quy định 250 căn thì các doanh nghiệp bị phá sản hết. Chẳng hạn như Phú Mỹ Hưng có 20.000 đơn vị nhà ở, mà giờ quy định được có 250 căn, mà ngoài Công ty Phú Mỹ Hưng còn có Novaland…và rất nhiều công ty khác nữa. Như vậy, quy định một phường có 250 căn thì các dự án tắc hết”, ông Châu lý giải.
Nhap canh mot ngay cung mua duoc nha-hinh-anh-1
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đóng góp ý kiến tại hội thảo (Ảnh: Phan Diệu) 
Ông Châu cũng cho biết, trên cả nước hiện có khoảng 30.000 CEO cao cấp và hàng trăm ngàn người là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với số lượng lớn như vậy thì Ngân hàng Nhà nước cần phải có hướng dẫn cụ thể việc người nước ngoài có được vay tiền tại Việt Nam để mua nhà không hay không. Bên cạnh đó, vấn đề người nước ngoài chuyển tiền như thế nào cũng cần bổ sung thêm, bởi Việt Nam tham gia Công ước Phòng chống rửa tiền nên cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn.
Còn đối với Việt kiều, việc phải chứng minh nguồn gốc cũng là một vướng mắc khó giải quyết, bởi đối với nhiều người, vì nhiều lý do mà khi họ ra nước ngoài không mang được gì theo, trong khi giấy tờ gốc ở địa phương lại không còn. Như vậy, ông Châu đặt ra câu hỏi những người này phải chứng minh nguồn gốc ra sao. Do đó, HoREA đề nghị các trường hợp này chỉ cần có hộ chiếu mà trong đó có ghi địa chỉ nơi sinh là Việt Nam thì nên công nhận và không cần chứng minh gì khác.
Còn nhiều vướng mắc
Liên quan đến các kiến nghị về vấn đề người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, ông Trương Anh Tú - Giám đốc Kinh doanh-tiếp thị của Sacomreal-s thắc mắc trong quá trình giao dịch với người nước ngoài, có nên có một hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh hay không. Ông Tú cho rằng đã ra giao dịch với người nước ngoài thì nên lưu ý vấn đề này. Không chỉ vậy, một vấn đề mà đại diện này vẫn còn vướng, đó là việc visa được cấp là visa nào và thời hạn bao lâu thì được hay là ở một ngày cũng được mua?
Trả lời câu hỏi ấy, ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ cần được cấp visa nhập cảnh hợp pháp. Còn đối với doanh nghiệp, quỹ đầu tư và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì phải là đang hoạt động tại Việt Nam, có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập chi nhánh và văn phòng hợp pháp.
“Người nước ngoài thì chỉ cần có visa nhập cảnh và bản cam kết không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao. Còn visa chỉ cấp một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam” - ông Ninh khẳng định.
Nhap canh mot ngay cung mua duoc nha-hinh-anh-2
 Ông Lê Hoàng Châu và ông Huỳnh Vũ Quốc Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành tại hội thảo (Ảnh: Phan Diệu)
Còn vấn đề hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh, ông Huỳnh Vũ Quốc Phương – Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành cho biết cách đây 3 tháng đơn vị này từng đưa ra đề nghị ấy để xét duyệt nhưng sau đó Bộ Tư pháp không đồng tình vì đây là hợp đồng liên quan đến đất đai, liên quan đến quyền sở hữu, làm sổ đỏ nên không thể làm hợp đồng bằng tiếng Anh được. Còn các doanh nghiệp muốn làm một bản dịch hợp đồng phụ ra tiếng Anh thì được, còn các hợp đồng cần công chứng, đóng thuế thì bắt buộc phải tiếng Việt.
Tại hội thảo, với tư cách là một người nước ngoài đang có ý định mua nhà tại Việt Nam, ông Yushida - Trưởng đại diện Văn phòng tại Việt Nam của Tập đoàn Kitakei (Nhật Bản) cũng cho hay ông rất quan tâm và rất vui khi Việt Nam có chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà.
Ông Yushida cho biết trong nghị định mới này có quy định hạn chế là khi người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được sở hữu 30% trong 1 tòa nhà. Tuy nhiên, ông Yushida đề nghị nếu được thì nên tăng con số này lên, có thể không tăng lên nhiều nhưng mà tăng lên 40 - 50% cũng được.
“Tôi có nghe nghị định mới về việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng tôi vẫn chưa biết được cụ thể là mình phải làm thủ tục gì để có thể mua được nhà. Vì vậy, tôi mong muốn Chính phủ cũng như các bộ ngành sớm có nghị định hướng dẫn cụ thể, đơn giản, chi tiết, rút ngắn thời gian để chúng tôi sớm định cư tại Việt Nam” - ông Yushida bày tỏ.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhập cảnh một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam