“Tôm, mực, cua, cá, hạt gạo của người nông dân sẽ là điểm dễ bị tổn thương và nhạy cảm nhất đối với Việt Nam”, TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng Khoa luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.

Dự luật An ninh mạng liệu có khiến Việt Nam bị trả đũa thương mại?

Trí Lâm | 24/11/2017, 14:57

“Tôm, mực, cua, cá, hạt gạo của người nông dân sẽ là điểm dễ bị tổn thương và nhạy cảm nhất đối với Việt Nam”, TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng Khoa luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ tổn thương

Tranh luận nảy lửa trên nhiều diễn đàn thời gian qua là câu chuyện xoay quanh Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Theo lộ trình, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Tham luận tạitọa đàm “Dự thảo Luật An ninh mạng (LANM)và tác động đến các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông và nội dung số vừa diễn ra,TS Võ Trí Hảo cho rằngcác hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới không chỉ dừng lại ở các thỏathuận trao đổi hàng hóanơi biên giới, mà còn bảo đảm rằng hàng hóatừ biên giới sẽ được phân phối sâu vào nội địa mà không bị bất kỳ cản trở bất hợp lý hay sự phân biệt đối xử nào.

Trong cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia cuối năm 2006, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

Do đó, ông Hảo cho rằng cơ quan soạn thảo đã “không ngại xung đột” với các điều khoản WTO, EVFTA và CPTPP khi đặt ra yêu cầu: Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 34, Khoản 4 Dự thảo Luật).

Vị này cho rằng đa phần dư luận đều chỉ mới bàn đến tác động xấu đến sự phát triển của khoa học công nghệ, trao đổi tri thức nếu Google bị chặn, tác động đến thương mại điện tử đối với cư dân bán hàng trên Facebook nếu Facebook từ chối yêu cầu đặt server và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam… Và dùng những gì diễn ra ở Trung Quốc để dự đoán cho cuộc chiến tranh thương mại giữa Việt Nam và các nước G7. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ.

Với hơn 1,3 tỉ dân, Trung Quốc là một thị trường quá lớn để các hãng công nghệ nghĩ đến chuyện từ bỏ thị trường này. Quốc gia này cũng quá lớn để các quốc gia phương Tây có thể áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại. Tuy nhiênViệt Nam không có được vị thế như Trung Quốc. Thương mại Việt Nam dễ bị tổn thương hơn nhiều.

“Không nhất thiết Google, Facebook, Uber, Grab… phải rút khỏi Việt Nam, không nhất thiết phải tiến hành một vụ kiện nhằm khai trừ Việt Nam ra khỏi WTO mà họ có thể chọn những điểm thương mại quốc tế dễ bị tổn thương nhất của Việt Nam nhưtôm, mực, cua, cá, hạt gạo... để trả đũa. Nên nhớ rằng trả đũa thương mại cũng như võ thuật tự do thì mình đánh đối thủ vào thắt lưng, không nên kỳ vọng rằng đối thủ chỉ đánh lại mình vào thắt lưng”, ông Hảo nói.

Giấy phép con tái diễn?

Ông Võ Trí Hảo cũng nhận định rằng, việc mở rộng và đặt ra yêu cầu độc quyền trong việc cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với các dịch vụ mạng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước sang các doanh nghiệp sẽ khiến cho các giấy phép con có thể lại tái xuất dưới những màu sắc, vỏ bọc khác, dưới dạng các buổi tập huấn bắt buộc.

Việc cơ quan nhà nước ban hành tiêu chuẩn an ninh mạng và áp dụng các tiêu chuẩn này đối với các cơ quan nhà nước, hoạt động công chức, với hệ thống thông tin lõi của quốc gia là hoàn toàn cần thiết và hợp lý; nhưng việc bắt buộc các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng phải áp dụng các tiêu chuẩn này và có các giấy phép, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, phát sinh thủ tục và mở ra mảnh đấtmới cho tiêu cực sinh sôi.

“Các chuẩn mực do các hiệp hội công nghệ thông tin quốc tế thường luôn tiên phong, đa dạng và linh hoạt hơn so với các tiêu chuẩn của chính phủ. Nếu trói các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam với các chuẩn khô cứng sẽ kéo theo cả nền công nghệ thông tin trì trệ, mất sức cạnh tranh khi cánh cửa thị trường viễn thông cũng sắp phải mở toang cho nước ngoài”, ông Hảo cho hay.

Theo vị này, ví dụ về “pháp luật” luôn chạy sau công nghệ có thể tìm thấy cũng tại Điều 34 Khoản 3. Trong khi các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đều cạnh tranh thu hút khách hàng bằng việc cung cấp dịch vụ mạng kèm theo “bảo mật đầu cuối” (End - to - End), điển hình là iPhone X thông tin đăng nhập như Touch ID, Face ID sẽ được lưu trữ cục bộ trên con chip Secure Enclave (SEP) mà không phải trên server của Apple và bản thân Apple cũng không thể đọc được nội dung tin nhắn iMessage, cuộc gọi FaceTime.

Trong khi đó Điều 34 Khoản 3 Dự thảo vẫn đặt ra yêu cầu: “Các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, internet, doanh nghiệp sở hữu hệ thống thông tin phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số để bảo đảm tính bảo mật và tính trung thực của thông tin đăng ký và phải cung cấp cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền”.

“Yêu cầu này sẽ không khả thi với mô hình cung cấp dịch vụ mạng kèm theo bảo mật đầu cuối và mô hình lưu trữ thông tin người dùng trên con chip mã hóanằm trên chính thiết bị đầu cuối”, ông Hảo nói.

Theo vị này, giả sử Quốc hội bỏ qua hạt gạo, tôm, mực, cua, cá và bấm nút giữ nguyên Điều 34 như Dự thảo thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó lòng mở rộng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như các đối thủ và sẽ phải từ bỏ mô hình bảo mật đầu cuối hay bảo mật cục bộ thiết bị. Điều này vô hình trung đẩy doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam vào thế bất lợi, các startup Việt Nam lại phải tìm cách nộp thuế cho Singapore, Mỹ để lách các quy định khác với thông lệ và khuynh hướng quốc tế này.

Theo đó, ông Hảo cho rằng nên đổi tên Dự thảo thành Luật An ninh Quốc Gia trên mạng như một số tác giả đã từng đề xuất và Luật này tập trung bảo vệ lợi ích công (public interest) chống lại việc lọt lộ bí mật nhà nước, loại trừ các mối nguy an ninh quốc gia, ngăn chặn chặn các cuộc tấn công ác ý vào cơ sở hạ tầng thông tin của nhà nước, vào hệ thống thông tin lõi.

Còn các lợi ích tư khác, ông Hảo cho rằng việc cung cấp các dịch vụ mạng mang tính chất thương mại khác cần tách riêng ban hành trong một văn bản khác, để tránh việc áp dụng lẫn lộn các nguyên tắc của luật công đối với các lĩnh vực tư - vốn có thể giải quyết hiệu quả hơn bằng sự tẩy chay của khách hàng, hiệu quả của “bàn tay vô hình” của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự tự do, năng động cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự luật An ninh mạng liệu có khiến Việt Nam bị trả đũa thương mại?