Theo Bộ GTVT, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay là 1.332 km và dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc.

Dự kiến cuối năm 2023 cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc

Hoài Lam | 13/07/2023, 14:40

Theo Bộ GTVT, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay là 1.332 km và dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc.

Ngày 13.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ sau cuộc họp lần thứ 5, các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác GPMB các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng; cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác GPMB, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng tiến độ; đã phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các thủ tục liên quan đến mỏ VLXD; tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án (cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hòa Bình-Mộc Châu).

Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chủ quản hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư/điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án trọng điểm (dự án Tuyên Quang-Phú Thọ, Bến Lức-Long Thành, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội); Bộ Tài chính đã phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết các thủ tục về nguồn vốn, đặc biệt cho dự án sử dụng vốn vay ODA (cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên)…

Hiện 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao 87% mặt bằng; đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu.

bc.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp 

14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông-Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP.HCM đạt trên 85%; đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31.12.2023.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 4.860/4.946 ha (98%) diện tích của dự án Cảng hàng không Long Thành. TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác GPMB dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

12/14 địa phương là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông-Tây (cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM) đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án trước ngày 30.6.2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km. Hiện cả nước đang triển khai thi công 1.693 km đường bộ cao tốc.

Các tỉnh Bình Phước, Thái Bình và TP.HCM đang khẩn trương tổ chức lập chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công-tư (PPP) được giao làm cơ quan có thẩm quyền (với các dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, TP.HCM-Mộc Bài).

Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình đã tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường bộ cao tốc được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền, phấn đấu phê duyệt trong quý 3/2023 (cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hòa Bình-Mộc Châu).

Hà Nội và TP.HCM đã hoàn chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; đang triển khai thi công, phấn đấu khai thác 2 tuyến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 (đoạn trên cao tuyến Nhổn-ga Hà Nội; tuyến Bến Thành-Suối Tiên).

Bộ GTVT cho biết đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) thuộc cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 312 km trong quý 2/2023, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729 km; đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km.

givt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 đã nêu rõ yêu cầu ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong đó, đầu tư bao gồm đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư nước ngoài, với tinh thần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn ngoài Nhà nước, từ đó tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian, động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Nguồn vốn cho giao thông vận tải chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 (riêng vốn Trung ương khoảng 711.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục được cân đối, bố trí, bổ sung thời gian tới), Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tự lực, tự cường, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để triển khai các công việc.

Bài liên quan
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự kiến cuối năm 2023 cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc