Với khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành bàn giao cho thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông xin giãn nợ tới khi hoàn thành dự án và bàn giao nghĩa vụ nợ cho thành phố Hà Nội.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông xin giãn nợ

06/02/2020, 22:10

Với khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành bàn giao cho thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông xin giãn nợ tới khi hoàn thành dự án và bàn giao nghĩa vụ nợ cho thành phố Hà Nội.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn lên 891 triệu USD - Ảnh: Internet

Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo cơ chế tài chính của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng, cho tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án khi dự án được bàn giao từ Bộ Giao thông Vận tải.

Với cơ chế tài chính này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỉ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND Thành phố Hà Nội.

Báo cáo của Ban Quản lý dự án cho biết, hiện nay dự án đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỉ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư là 1,957 tỉ đồng. Ban Quản lý dự án đã dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 1.552,709 tỉ đồng.

Với khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành bàn giao cho thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kiến nghị cho giãn nợ tới khi hoàn thành dự án và bàn giao nghĩa vụ nợ cho thành phố Hà Nội.

"Điều này nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định liên quan tới thủ tục và việc tăng tổng mức đầu tư chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước", Ban Quản lý dự án cho biết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong bối cảnh Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại, việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và có thể dẫn tới những hệ luỵ hết sức nghiêm trọng về kinh tế.

Vì vậy, ngày 21.1.2020, Bộ đã quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 triệu USD của dự án, khoản kinh phí này đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân.

Với tình hình hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.

Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, cơ quan này đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép cơ quan này tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, dự định hoàn thành vào tháng 6.2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc). Dự án có chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga đi trên cao, ban đầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay sau 9 lần "lỡ hẹn", dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành khai thác.

Hiện nay, dự án vẫn còn một số tồn tại về an toàn hệ thống mà tổng thầu chưa hoàn thiện, các hạng mục chưa phù hợp với thông số kỹ thuật, các thiết bị chưa hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế, trong khi đó khối lượng công việc tồn đọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, tổng thầu chưa xác định được thời gian vận hành chính thức dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông xin giãn nợ