Ngày 21.6, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra dự án Thảo Cầm Viên mới (Công viên Sài Gòn Safari) tại H.Củ Chi, TP.HCM.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari: Đền bù sai hơn 104 tỉ đồng

22/06/2019, 11:12

Ngày 21.6, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra dự án Thảo Cầm Viên mới (Công viên Sài Gòn Safari) tại H.Củ Chi, TP.HCM.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari bỏ hoang mấy năm nay, người dân tận dụng trồng rau, chăn thả gia súc - Ảnh: Báo TN

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án Thảo Cầm Viên mới (còn gọi là Công viên Sài Gòn Safari) nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (thuộc H.Củ Chi), có diện tích 456,85ha, cấp phép từ năm 2004.

Đây là dự án lớn, ảnh hưởng đến 705 hộ dân nhưng UBND TP.HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. UBND TP.HCM giao cho Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi đơn vị này không đủ năng lực thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dự án chưa triển khai được.

“Trách nhiệm này thuộc về Sở KH-ĐT, UBND TP giai đoạn 2001 - 2006”, Thanh tra Chính phủ nêu, đồng thời chỉ rõ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nhiều vi phạm. Theo đó, sau 13 năm kể từ khi TP có văn bản chấp thuận thì đồ án quy hoạch mới hoàn thành và được phê duyệt là quá dài, trong khi thiết kế quy hoạch chi tiết là tài liệu quan trọng nhưng không được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi giải phóng mặt bằng phải xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho người dân, trường hợp chưa có phải bố trí khu tạm cư hoặc chi tiền tạm cư. Thế nhưng, đến nay, dù đã thu hồi khoảng 80% diện tích đất mà khu TĐC chưa được khởi công, người dân không được bố trí tạm cư (tạm cư tại chỗ) cũng như tại thời điểm thanh tra, người dân chưa được chi tiền tạm cư. "Chính sự chậm trễ này khiến người dân bức xúc, khiếu nại, chậm bàn giao mặt bằng cho dự án", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với dự án Công viên Sài Gòn Safari, các cơ quan chức năng đã thực hiện không đúng quy định pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp quy định, làm phát sinh chi phí đền bù tăng hơn 104 tỉ đồng. Khoản tiền này đã được chi trả cho 689/705 hộ dân, trong đó 657/689 hộ đã nhận tiền, đã bàn giao mặt bằng.

Dù xác định có sai phạm song Thanh tra Chính phủ cho rằng chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi trong khoản tiền trên. Tại cuộc họp với Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 30.11.2017, đại diện các bộ, ngành T.Ư đều thống nhất không thu hồi lại từ người dân số tiền trên, nhưng UBND TP.HCM phải cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để chi trả, hỗ trợ.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, đất thu hồi xong không được đưa vào sử dụng cho dự án mà bị bỏ hoang nhiều năm, dẫn đến người dân bức xúc, khiếu kiện tăng dần. Quá trình triển khai thu hồi đất (xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và TĐC, việc áp giá chiết tính...) có nhiều sai sót, làm thất thoát ngân sách nhà nước, nhưng đều theo hướng có lợi hơn cho người bị thu hồi đất. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu kiện hiện nay là do kể từ khi thu hồi đất đến nay đã gần 14 năm nhưng dự án chưa triển khai xây dựng và có sự so bì giữa các hộ dân có đất bị thu hồi (trong việc xác định và áp dụng “đất vườn gò trong khu dân cư”)...

Từ các sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, TĐC, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch dự án theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát lại phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi thu hồi đất thực hiện dự án, có biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm công bằng cho các hộ dân có đất bị thu hồi. UBND TP tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan để sai phạm tại dự án.

Theo Thái Sơn/báo Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án Công viên Sài Gòn Safari: Đền bù sai hơn 104 tỉ đồng