Giá Bitcoin có lúc xuống dưới 36.000 USD một đồng, đây được xem là mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Sáng 22.2, giá Bitcoin tiếp tục đi xuống dốc không phanh, có thời điểm giảm hơn 12% so với ngày hôm trước, xuống dưới 36.000 USD. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 39.283 USD, thấp nhất ở mức 35.501 USD. Như vậy, giá Bitcoin thời điểm cao nhất và thấp nhất đã chênh lệch tới gần 5.000 USD.
Theo Bloomberg, so với mức đỉnh gần 69.000 USD đạt hồi tháng 11.2021, Bitcoin đã mất khoảng 45% giá trị. So với tháng 11.2021, vốn hóa của thị trường Bitcoin đã bị mất hơn 600 tỉ USD.
Nguyên nhân khiến đồng Bitcoin mất giá cũng là do động thái Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm các biện pháp kích thích kinh tế, điều này đã ảnh hưởng lớn đến các tài sản rủi ro. Thị trường tiền kỹ thuật số đã chịu tác động lớn khi liên tục giảm giá thời gian qua.
Nhiều đồng mã hóa khác cũng lao dốc mạnh theo đà giảm của Bitcoin. Thị trường tiền mã hóa đang "bốc hơi" sau nhiều trận giảm không phanh. Đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới Ethereum cũng giảm 11,13%, xuống mức giá 2.595 USD. XRP giảm 8,42%, xuống còn 0,644 USD; Solana giảm 9,62%, ở mức giá 111,42 USD; Terra giảm 15,52%, có giá 65,23 USD; Polkadot giảm 13,24%, xuống mức giá 19,84 USD; Stellar giảm 8,12%, có giá 0,205 USD; Dogecoin giảm 5,73%, về mức giá 0,143 USD; Polygon giảm 9,28%, giá là 1,74 USD...
Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm sâu, rời xa mốc 2.000 tỉ USD. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào sáng 22.1 chỉ còn ở mức 1.804 tỉ USD, giảm 7,9% so với ngày 21.1.
Bitcoin gần đây liên tục mất giá. Đặc biệt, giá đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới này lao dốc mạnh sau khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và "đào" tiền kỹ thuật số trên lãnh thổ nước này, với lý do lo ngại các mối đe dọa đối với ổn định tài chính. Nga là quốc gia có lượng người đào tiền kỹ thuật số lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Kazakhstan.
Từ giữa năm 2021, Trung Quốc đã ra lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử, buộc các trang trại phải đóng cửa và chuyển máy đào ra nước ngoài.
Vào ngày 17.1 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cũng đã ban hành hướng dẫn, hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số quảng bá dịch vụ cho công chúng. Hai ngày sau, các ATM Bitcoin ở nước này cũng bị gỡ bỏ.
Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Anh cũng ra các quy định tương tự Singapore về hoạt động quảng cáo, giao dịch và khai thác tiền số.
Đáng chú ý, hồi tháng 5.2021, Iran đã cấm khai thác tiền điện tử trong 4 tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này. Cuối năm ngoái, Kosovo ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này, khiến nhiều chủ trang trại phải bán tháo thiết bị đào Bitcoin.
Những diễn biến trên thị trường tiền mã hóa trong thời gian qua đã khiến nhiều người không còn coi đồng Bitcoin là hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Vì vậy, tiền mã hóa vẫn được xem là một loại tài sản rủi ro và có tính đầu cơ cao.