Thủ tướng Suga cảnh giác việc Trung Quốc gây áp lực buộc các quốc đảo cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga kêu gọi các nhà lãnh đạo từ các quốc đảo Thái Bình Dương đoàn kết chống lại chủ nghĩa độc tài trong hội nghị thượng đỉnh hôm 2.7. Nhật hứa cung cấp vắc xin COVID-19 và hỗ trợ kinh tế cho một khu vực ngày càng quan trọng để cùng nỗ lực với Mỹ nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
"Khu vực Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức mới, như cạnh tranh với chủ nghĩa độc tài", Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết tại Hội nghị lãnh đạo các quốc đảo và vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương (hay còn gọi là PALM).
Ngoài Nhật Bản, sự kiện trực tuyến đã thu hút 16 quốc gia (bao gồm cả Úc, New Zealand) và hai khu vực.
Khi Trung Quốc gây áp lực buộc các quốc đảo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực để giữ họ đứng về phía mình trong cuộc chiến giằng co chống lại đối thủ.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - Manabu Sakai nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh rằng Trung Quốc hay Đài Loan "hoàn toàn không được thảo luận". Thế nhưng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, được thúc đẩy bởi sức mạnh tài chính của họ, vẫn là mối quan ngại với Nhật Bản.
"Các nhà lãnh đạo PALM nhấn mạnh cam kết đổi mới và củng cố tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do, cởi mở và bền vững dựa trên pháp quyền", trích tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh.
Văn kiện nhắc lại "tầm quan trọng của tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế", bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không qua hoặc trên vùng biển cả và vùng đặc quyền kinh tế, trong một lời chỉ trích ngầm với Trung Quốc.
Ông Suga kêu gọi thực hiện mối quan hệ sâu sắc hơn giữa các quốc đảo Thái Bình Dương trong một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở."
Thủ tướng Tuvalu - Kaaries Natano cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách làm thế nào để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của họ với tư cách là những người canh giữ Thái Bình Dương.
Nhật Bản hứa sẽ hỗ trợ các quốc đảo trong việc chống COVID-19 và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc cung cấp khoảng 3 triệu liều vắc xin. Các lô hàng sẽ bắt đầu trong tháng này.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên các quốc đảo Thái Bình Dương trong nỗ lực cô lập Đài Loan. Kiribati và Quần đảo Solomon cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc vào năm 2019.
Trong số 16 quốc gia ngoài Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh PALM, chỉ có 4 nước - Tuvalu, Quần đảo Marshall, Palau và Nauru - vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trung Quốc được cho là sẽ chỉ cứng rắn hơn với Đài Loan. "Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc", Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu hôm 1.7 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng.
Nhật Bản tìm cách hạn chế việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với các đối tác như Mỹ và châu Âu. Nhật Bản kêu gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong một tuyên bố chung của nhà lãnh đạo với Mỹ vào tháng 4 và G7 (Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada) hồi tháng 6.
Các quốc đảo ở Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc xem cái gọi là chuỗi đảo thứ hai, kéo dài từ quần đảo Ogasawara phía nam Nhật Bản đến Guam và Saipan, là tuyến phòng thủ quan trọng chống lại Mỹ.
Trung Quốc đang mở rộng một cảng ở Vanuatu và có kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính để nâng cấp một đường băng cũ ở Kiribati, làm dấy lên suy đoán rằng các cơ sở cuối cùng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Quân đội Trung Quốc sở hữu năng lực trên bộ, trên biển và trên không để cạnh tranh với Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai, một cơ quan cố vấn cảnh báo Quốc hội Nhật Bản vào năm 2018. Chuỗi này cũng gần với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở đó sẽ tác động đến Mỹ trong khu vực.
Ngoài Guam, Mỹ vận hành một bãi thử tên lửa ở Quần đảo Marshall nhưng không thường xuyên đồn trú số lượng lớn binh lính ở đó. Tháng 8.2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Mike Esper đã đến thăm Palau và đề xuất xây dựng các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây.
Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương đã phải vật lộn để điều hướng theo việc cạnh tranh về lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Ví dụ, khi Kiribati công nhận Đài Loan vào năm 2003, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cắt đứt quan hệ với quốc gia Thái Bình Dương này. Kiribati đã đảo ngược lập trường với Đài Loan và thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc vào năm 2019 để duy trì mối quan hệ kinh tế với siêu cường châu Á.
Izumi Kobayashi, Giáo sư tại Đại học Osaka Gakuin và Chủ tịch Hiệp hội các đảo Thái Bình Dương - Nhật Bản, nhận định: “Các quốc đảo Thái Bình Dương có xu hướng không có ý thức hệ chính trị mạnh mẽ, vì vậy họ có thể bị lung lay bởi những lời đề nghị viện trợ hấp dẫn. Họ cần hỗ trợ để giữ họ gần gũi".