Trung Quốc đã đề nghị cung cấp vắc xin COVID-19 cho Đài Loan nhưng chính quyền bà Thái Anh Văn từ chối vì lý do chính trị.

Lý do Mỹ ưu tiên tặng Đài Loan 2,5 triệu liều vắc xin COVID-19 mặc Trung Quốc phản đối

Nhân Hoàng | 22/06/2021, 13:52

Trung Quốc đã đề nghị cung cấp vắc xin COVID-19 cho Đài Loan nhưng chính quyền bà Thái Anh Văn từ chối vì lý do chính trị.

Khi Đài Loan đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lớn đầu tiên của mình, một máy bay đã hạ cánh mang theo 2,5 triệu liều vắc xin Moderna từ Mỹ.

Khoản tài trợ này là động lực thúc đẩy chính quyền của bà Thái Anh Văn, vốn đã bị giảm tín nhiệm và chịu áp lực từ một số người đòi chấp nhận vắc xin từ Trung Quốc.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đang tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Đài Loan khi hòn đảo này đối phó với sức ép ngoại giao, kinh tế và quân sự từ Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Arthur Ding, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, cho biết: “Mọi người đều biết rằng khoản tài trợ của Mỹ là rất quan trọng. Nó có thể làm giảm áp lực đang gia tăng với bà Thái Anh Văn và và chính quyền (Đảng Tiến bộ Dân chủ của bà), nếu không muốn nói là loại bỏ những lời bào chữa cho chủ trương không nhập khẩu vắc xin do Trung Quốc sản xuất và gián tiếp giúp ổn định sản xuất các sản phẩm điện tử".

Đài Loan đã phải vật lộn để có được vắc xin, tình hình trở nên cấp bách hơn khi số ca mắc COVID-19 đã tăng từ khoảng 1.000 ca vào giữa tháng 5 lên hơn 14.000 như hiện tại. Số người chết vì COVID-19 ở Đài Loan cũng tăng từ 12 lên 569 người vào ngày 21.6. Thế nhưng cũng có tin tốt khi lần đầu tiên kể từ giữa tháng 5, các ca mắc COVID-19 hàng ngày của Đài Loan rơi xuống dưới 100 vào 21.6.

Đợt giao hàng hôm 20.6 đã tăng gấp đôi số lượng vắc xin mà Đài Loan đã nhận được lên 5 triệu liều, bao gồm 1,24 triệu liều AstraZeneca mà Nhật Bản đã tặng hồi đầu tháng. Đến nay, khoảng 6% trong số 23,5 triệu người Đài Loan đã nhận được ít nhất một liều vắc xin.

Việc tài trợ phản ánh cam kết của chúng tôi với Đài Loan như người bạn đáng tin cậy và một thành viên của gia đình dân chủ quốc tế", Đại sứ quán Mỹ trên thực tế tại Đài Bắc cho biết trên trang Facebook của mình.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên nói hôm 21.6 rằng: "Trung Quốc kêu gọi Mỹ không sử dụng hỗ trợ vắc xin để thao túng chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Khoản tài trợ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Đài Loan như người tiền nhiệm Donald Trump và quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục suy yếu.

Tuần trước, người được đề cử trở thành nhà ngoại giao Đông Á hàng đầu của Mỹ, Daniel Kritenbrink, cho biết Mỹ nên "phát triển hơn nữa mối quan hệ bền chặt của chúng ta với Đài Loan trong mọi lĩnh vực".

Vài ngày trước đó, trong một tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh G7, nhà lãnh đạo 7 quốc gia công nghiệp phát triển (Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada) nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Đây là tuyên bố ủng hộ Đài Loan chưa từng có của G7.

Arthur Ding cho biết mối quan hệ của Đài Loan-Mỹ tất nhiên là "thân thiết hơn trước".

Arthur Dingnhận định: “Đài Loan đóng một vai trò quan trọng với vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và vai trò quan trọng này thúc đẩy Mỹ quan hệ với Đài Loan toàn diện”. Cũng như hợp tác an ninh giữa hai bên, ông chỉ ra kế hoạch của Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), một cơ chế nhằm tăng cường thương mại song phương giữa hai bên.

ly-do-my-uu-tien-tang-dai-loan-25-trieu-lieu-vac-xin-covid-19.jpg
Công nhân vận chuyển vắc xin Moderna ở sân bay Quốc tế Đào Viên ở thành phố Đào Viên, Đài Loan vào ngày 20.6

Việc giao 2,5 triệu liều vắc xin nhiều gấp 3 lần so với số lượng ban đầu được thông báo hai tuần trước đó bởi ba thượng nghị sĩ đến thăm Đài Loan trên máy bay vận tải quân sự.

Họ cho biết Đài Loan nằm trong kế hoạch đầu tiên của ông Biden nhằm cung cấp 80 triệu vắc xin mà Mỹ không cần.

Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn cho biết, sau những nỗ lực của cả hai bên trong hai tuần can thiệp, Mỹ đã quyết định tăng số lượng liều vắc xin COVID-19 tặng Đài Loan.

Một lý do cho sự gia tăng có thể là không phải tất cả các quốc gia đều "có sẵn cơ sở hạ tầng và hệ thống để thực hiện tiêm chủng hàng loạt", nhưng Đài Loan thì có, theo Drew Thompson - nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore.

Một yếu tố khác trong quyết định ưu tiên Đài Loan có thể là ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, vì "Mỹ phụ thuộc sâu sắc vào những đóng góp của Đài Loan vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó", ông Drew Thompson nói.

Drew Thompson khẳng định Đài Loan là một "đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực, là đối tác thương mại lớn, là nguồn cung cấp công nghệ và nguồn đầu tư chính".

"Tầm quan trọng nội tại của Đài Loan với Mỹ bất kể mối quan hệ xuyên eo biển khiến nó trở thành ứng cử viên sáng giá để Mỹ đầu tư vào sức khỏe cộng đồng cho hòn đảo, trong việc giữ cho các nhà máy của họ mở cửa, giữ cho Đài Loan an toàn, an ninh và thịnh vượng, bởi vì Mỹ đạt được sự thịnh vượng từ Đài Loan trong tình huống đó", ông Drew Thompson nói thêm.

Khoản tài trợ vắc xin từ Mỹ là sự hỗ trợ lớn cho bà Thái Anh Văn, người mà tỷ lệ chấp thuận của công chúng đã giảm xuống 45,7% vào tháng 5.2021, mức thấp nhất trong 21 tháng, theo Tổ chức Ý kiến ​​Công chúng Đài Loan.

Trong khi Đài Loan đã đặt hàng 10 triệu liều AstraZeneca, 5 triệu liều Moderna và chỉ có dưới 5 triệu liều của các nhãn hiệu không xác định thông qua chương trình Covax do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, các lô hàng đã đến chậm. Bà Thái Anh Văn đã cáo buộc Trung Quốc cản trở thỏa thuận giữa Đài Loan và BioNTech (Đức), nhà đồng phát triển vắc xin COVID-19 cùng Pfizer (Mỹ). Đây là cáo buộc mà Trung Quốc đã phủ nhận.

Trung Quốc đã đề nghị cung cấp vắc xin cho Đài Loan nhưng nói chính quyền bà Thái Anh Văn đang từ chối vì lý do chính trị.

Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát) viết: “Không có khu vực nào trên thế giới khiến quá trình kiếm vắc xin trở nên kịch tính như đảo Đài Loan, từ chối nguồn vắc xin dồi dào theo hướng này trong khi cầu xin từ thiện ở hướng khác”.

Các quan chức Đài Loan nói rằng Trung Quốc đã không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy vắc xin của họ là an toàn. Để chấp nhận chúng, Đài Loan sẽ phải thay đổi luật vì trước nay cấm nhập khẩu thuốc do Trung Quốc sản xuất.

Bài liên quan
Đài Loan cho 2 hãng công nghệ hàng đầu tự mua vắc xin nhưng không dám chắc thành công
Đài Loan sẵn sàng cho phép Quách Đài Minh (tỷ phú sáng lập Foxconn - nhà sản xuất hợp đồng điện tử hàng đầu thế giới) và TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) thay mặt chính quyền hòn đảo đàm phán về vắc xin COVID-19, nhưng cảnh báo rằng không thể đảm bảo việc này thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Mỹ ưu tiên tặng Đài Loan 2,5 triệu liều vắc xin COVID-19 mặc Trung Quốc phản đối