Mỗi lần đi xa lại nhớ về phố nhiều hơn nhớ về miền quê nào đó. Dù đến Paris, New York, San Francisco, Geneva, Stockholm hay Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur... thì nhớ vẫn là nhớ về Sài Gòn. Nhớ về những con đường, con hẻm, ngóc ngách, quán xá cùng với những con người, những cảnh vật, những sinh hoạt ở đó. Nhớ thời tuổi trẻ lãng mạn, ngờ nghệch, đàn đúm hẹn hò. Nhớ cơn mưa rào hoàng hôn bất chợt đổ xuống làm hai kẻ hẹn hò cuống quýt tìm mái hiên nấp.
Nhớ quán bột chiên ngã sáu với thằng bạn nghèo buổi tối. Nhớ xe bánh ướt nóng với nước mắm ngon trên vỉa hè, dưới bóng cây, buổi sáng hay chiếc xe bò bía trên lề đường cả lũ bạn xúm vào rối rít buổi chiều. Nhớ những căn gác trọ áp mái tôn chỉ để chui vào buổi tối. Nhớ những quán cà phê, những quán nhạc ru tuổi trẻ đi qua. Nhớ những rạp ciné nơi ta lần đầu rón rén cầm tay bạn gái.
Nhớ những gian khó tuổi trưởng thành trên chiếc xe đạp, thỉnh thoảng gom giấy vụn, cả sách, đem bán lấy tiền uống cà phê với bạn bè thời sản xuất giấy còn khan hiếm, riết rồi nhẵn mặt ở những điểm thu mua giấy vụn. Nhớ những mặt đường, những hàng cây trên đường tới chỗ làm ở cơ quan nhà nước. Nhớ những bữa nhậu với bạn bè, từ bình dân vỉa hè tới quán bar, nhà hàng tương đối sang trọng. Nhớ những căn nhà, những khu phố đã ở...
Vậy đó, từ trẻ tới già, đời người và đời phố quyện làm một. Bảo sao không nhớ khi xa, dù những thành phố khác đi qua có lộng lẫy thế nào, có làm ta choáng ngợp đến thế nào. Bởi cái lộng lẫy đó, cái choáng ngợp đó không thuộc về ta, không gắn với đời ta. Không sống sau lũy tre làng, và ở mức độ nào đó cũng là một “công dân thế giới”, nhưng tôi vẫn không dứt ra được khỏi cái thành phố hơn nửa đời hạnh phúc, khó nhọc, buồn vui với nó. Khi xa mới cảm thấy như nó có linh hồn, nó rù rì kỷ niệm, nó vẫy gọi ta về. Tôi dám chắc nhiều người, vì lý do nào đó, đã bỏ thành phố ra đi mãi mãi có lúc cũng cảm thấy như vậy.
Mà tôi chắc nhiều cư dân đô thị khác cũng như tôi. Đời phố với đời người cũng quyện làm một nơi họ. Chẳng phải thế sao, khi những cây xà cừ lâu năm trên đường Tôn Đức Thắng hay cây sao dầu cổ thụ đầu đường Lê Lợi ở Sài Gòn bị đốn, thương xá Tax bị cải tạo thì đã có nhiều người muốn khóc.
Chẳng phải thế sao, khi cả ngàn cây xanh ở Hà Nội bị chặt không thương tiếc thì nhiều người Hà Nội đổ ra đường nhằm bảo vệ cây và đã hình thành trên mạng diễn đàn “Vì một Hà Nội xanh”. Nghe phong thanh sở thú Sài Gòn bị dời đi, lập tức trên mạng ra đời “Chiến dịch bảo vệ Thảo cầm viên Sài Gòn”.
Sông Đồng Nai bị lấp một phần nhằm xây dựng khu đô thị mới, lập tức có diễn đàn “Cứu sông Đồng Nai”. Bởi người ta không muốn thành phố đã trở thành một phần đời mình mất đi những dấu tích mà có cái một khi mất đi là mất vĩnh viễn, chẳng thể nào khôi phục lại được. Có khác gì mất một phần ký ức, một phần đời mình nếu ở đủ lâu.
Và cũng phải nói lại: có ai không vui khi những con kênh nước đen ở thành phố này bỗng một ngày trở thành những con kênh bắt đầu xanh xanh?
Trừ phi người ta không yêu thành phố, trừ phi người ta vô tình, vô cảm với chính cái đã làm nên một phần đời mình, người ta mới không xót xa với nó.
Đoàn Khắc Xuyên/Người Đô Thị