Núi Cấm có tên gọi là Thiên Cấm Sơn, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn thuộc tỉnh An Giang. Nơi này thu hút khách hành hương bởi vẻ đẹp độc đáo, khí hậu trong lành cùng những giai thoại tâm linh kỳ bí…
Du lịch

Bánh xèo rau rừng, gà đốt lá chúc: Hương vị khó quên ở núi Cấm

Bài, ảnh: Nguyễn Huy 15/11/2024 17:00

Núi Cấm có tên gọi là Thiên Cấm Sơn, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn thuộc tỉnh An Giang. Nơi này thu hút khách hành hương bởi vẻ đẹp độc đáo, khí hậu trong lành cùng những giai thoại tâm linh kỳ bí…

Thế nhưng, ít ai biết núi Cấm còn có những món ăn “có một không hai”. Bánh xèo rau rừng và gà đốt lá chúc là hai món ăn rất đặc biệt của vùng đất này.

Du khách nào đến núi Cấm và từng được thưởng thức hai món này thì có lẽ hương vị của nó sẽ lắng lại trong tâm trí, để một lúc nào đó nhắc lại mùi thơm của nó vẫn hiện rõ như vừa mới hôm qua. Cái mùi hương đặc thù của lá chúc đậm đà, len lỏi sâu vào từng thớ thịt gà và khác biệt giữa vô vàn mùi vị khác.

Tại đỉnh núi Cấm có 1, 2 quán bán bánh xèo rau rừng và xung quanh khu vực chân núi có vài tiệm bán bánh xèo kết hợp cả gà đốt lá chúc. Tuy nhiên, sau nhiều lần thử qua món ăn của tất cả quán ăn ở đây, theo đánh giá chủ quan của người viết, chất lượng tốt nhất thuộc về một quán lâu đời nằm cách chân núi Cấm tầm gần 1km.

Tiệm ăn này đã có tuổi đời tầm 15 năm, tức là một trong những tiệm lâu đời nhất khu vực. Điều đặc biệt là ngay trong tiệm có một khu đất để trồng luôn các loại rau rừng mà cái tên của nó không hề quen thuộc với dân thị thành, ví dụ như rau ngành ngạch, bứa, chòi mòi, trâm ổi, cơm nguội, xá xị, lá lốt, hoàn ngọc, đinh lăng. Các loại rau này cũng là những loại thảo mộc tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó là những loại rau quen thuộc gồm cải bẹ xanh, xà lách, diếp cá. Tất cả các loại rau được trồng trong vườn đều theo lối tự nhiên, không sử dụng thuốc hay hóa chất.

image5.jpeg
Khu vực trồng rau trong khuôn viên quán

Các loại rau tươi xanh này sẽ được cuốn vào phần bánh xèo có lớp vỏ giòn tan, cùng lớp nhân gồm đậu xanh, tôm, thịt, giá... rồi chấm vào nước chén nước mắm chua ngọt vừa vặn. Ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ ngay lập tức muốn thêm miếng thứ hai và cứ thế cho đến khi no bụng.

Cái vị thơm và ngọt của các loại rau hòa quyện vào lớp vỏ giòn rụm của bánh xèo có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại. Lót dạ xong món bánh xèo, thực khách sẽ thưởng thức món gà đốt.

image3(1).jpeg
Món gà đốt lá chúc

Theo chị Tuyền, một thành viên gia đình của tiệm ăn, “gà leo núi” vốn dĩ có thịt dai và ngọt tự nhiên. Gà được làm sạch, ướp gia vị cần thiết xong thì đặt vào cái nồi gang. Dưới đáy nồi lót sả, lá chúc cắt nhuyễn. Kế tiếp, người đầu bếp đốt lửa bên ngoài quanh nồi gang cho đến khoảng thời gian vừa đủ thì tắt lửa. Cách đốt này khiến con gà có một màu nâu bóng, bên ngoài hơi giòn còn thịt bên trong vẫn ngọt nước. Nước chấm gà là muối ớt mằn mặn có vị chua chua của trái chúc rất bắt vị. Ăn kèm với món gà là dĩa bắp cải cắt nhuyễn có nêm chút giấm đường, lẫn chút vị béo nhẹ của phô mai.

Những người am hiểu ẩm thực địa phương xác nhận rằng món gà đốt lá chúc là món ăn truyền thống của người Khmer khu vực huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Có rất nhiều món ăn mà người Khmer đã biến tấu theo kiểu người Kinh và ngược lại. Về các tiệm ăn phục vụ món gà đốt lá chúc thì chủ tiệm hầu hết là người Kinh.

image1.jpeg
Hai thực khách với món bánh xèo

Thông thường, du khách sẽ viếng thăm núi Cấm vào buổi sáng. Sau khi tham quan khắp nơi đến tầm 11 giờ 30 hoặc 12 giờ thì tìm chỗ ăn trưa. Có người chọn ăn bánh xèo trên núi, có người muốn tiệm quán có thực đơn phong phú với nhiều lựa chọn hơn thì xuống chân núi. Ngược lại, có người lên đỉnh núi vào tầm 1, 2 giờ trưa thì tầm 5, 6 giờ chiều họ về và ghé ngang các tiệm ăn dưới chân núi. Cũng có người thuê nhà trọ ở hẳn lại trên đỉnh núi để ngắm cảnh trời đêm và trải nghiệm khí hậu mát lạnh tại đây.

Rất nhiều du khách đến đây đơn giản để vãn cảnh, nhưng nhiều người chọn núi Cấm là nơi để thiền hành hoặc vào các chùa trên núi cầu an, cầu siêu cho gia đình. Cũng có nhiều người quá căng thẳng vì cuộc mưu sinh mà đến nơi này để xả bớt những muộn phiền âu lo và chiêm nghiệm về cuộc đời. Xong rồi, họ sẽ trở về nhà và trở lại với nhịp sống quen thuộc. Khi đó, họ mang về cả hương vị đậm đà và thơm nồng đặc biệt của món bánh xèo rau rừng và gà đốt lá chúc, một nét ẩm thực không lẫn vào đâu được của vùng núi Cấm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bánh xèo rau rừng, gà đốt lá chúc: Hương vị khó quên ở núi Cấm