Thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ quốc ngữ trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước...

Đôi dòng về những lần cải tiến chữ quốc ngữ Việt

28/11/2017, 06:16

Thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ quốc ngữ trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước...

Nhà trường và thầy trò thời Pháp thuộc - Ảnh: Tư liệu/Internet

Chữ quốc ngữ (QN) là thứ chữ ghi âm và theo nguyên tắc chính tả ngữ âm học (phiên âm âm tố; phát âm thế nào thì viết thế ấy), căn cứ trên mẫu tự Latin (abc) có thêm các dấu phụ. Cho đến nay, chữ viết ghi âm vẫn được coi là đơn giản, tiện lợi, dễ học dễ nhớ nhất. Trước đó, ở Việt Nam phổ biến là chữ Hán và chữ Nôm.

Chữ QN ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, gắn liền với lịch sử mở đạo, với vai trò của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong, từ năm 1615. Giai đoạn sơ khởi của chữ này là khoảng 1617 - 1626. Các giáo sĩ được xem như tham gia công việc này chủ yếu truyền đạo ở vùng biển: Cửa Hàn (Đà Nẵng); Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn, Bình Định). Ba vị được ghi nhận với công việc này, trong các tài liệu hiện có là Francisco de Pina, Cristoforo Bori và Alexandre de Rhodes. “Nhưng sự thật ai làm ra chữ QN vẫn còn là một câu hỏi…” (theo Hoàng Tuệ, 1993).

Chữ QN là một thứ chữ nhiều ưu điểm, nhưng cũng có không ít nhược điểm hoặc những vấn đề gây tranh cãi. Cụ thể là:
Chữ QN không căn cứ trên một tiếng địa phương cụ thể nào.
Chữ QN có nhiều cách ghép chữ cái không theo hệ thống, có trường hợp thừa; nhiều dấu phụ rườm rà.
Chữ QN có một số cách viết chưa thống nhất, viết thế nào cũng được.
Chữ QN thiếu một số ký tự phiên chuyển các từ ngữ nước ngoài…

Trong lịch sử, chữ QN đã nhiều lần cải cách, cải tiến:

Thứ nhất, những cải cách cải tiến trong giai đoạn sơ khởi và đến khi tương đối hoàn tất (khoảng thời gian gần hai thế kỷ, từ năm 1620 đến 1830), với nhiều tác giả khác nhau. Nếu so sánh chữ qua các chặng đường, có thể thấy hệ thống chữ này dần dần có nhiều đổi khác, thậm chí rất khác:

Thời kỳ sơ khởi (1620 - 1631): Các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Francisco Buzomi (1626), Christoforo Borri (1631)…

Thời kỳ hình thành (1631 - 1648): Thư từ và tài liệu của Alexandre de Rhodes (1631, 1636, 1644, 1647), Gaspar de Amaral (1632, 1637), Onofre Borges (1645 - 1648)… Điều đáng chú ý là các tác phẩm Từ điển Việt – Bồ - LaPhép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes được biên soạn trong thời gian này (1630 - 1640).

Thời kỳ phát triển (hay “trưởng thành”) và hoàn tất (1651 - 1838): Từ các tài liệu của Igesico Văn Tín, Bento Thiện (1659) đến Từ điển Việt – La của Pigneau de Béhaine (1772), Từ điển Việt - La của Taberd (1772). Đặc biệt, đó là chữ trong khoảng 4.000 trang tài liệu viết tay của Philiphé Bỉnh (1796 - 1830). Chữ QN hiện nay chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt – La của Taberd.

Hai là, sau đó, từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay, chữ QN đã nhiều lần được đề xuất cải cách cải tiến điểm này điểm khác. Chẳng hạn, từ năm 1868 Le Grand de la Lyraye đề nghị dùng dz thay cho d, d thay cho đ. Aymonier (1886) đề nghị dùng k thay cho c và q, dùng c thay cho ch; bỏ h trong gh; thay s bằng sh, thay x bằng xh; dùng aa thay cho a, a thay cho ă, ee thay cho e, e thay cho ê, oo thay cho o, o thay cho ô… Năm 1902, có những ý kiến của “Tiểu ban chữ viết ghi âm” sau Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội. Vấn đề chữ QN được nêu ra vào năm 1906 trong Hội đồng Cải lương học chính của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Năm 1910, Dubois trong cuốn Tiếng Việt và tiếng Pháp lại đề cập đến vấn đề cải cách chữ QN. Năm 1928, Trần Trọng Kim trong bài Sự sửa đổi chữ quốc ngữ phàn nàn “chữ QN ngày nay dễ quá”. Năm 1928, trên tờ Trung - Bắc tân văn, Nguyễn Văn Vĩnh hô hào “sửa đổi chữ QN”. Năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn, tác giả Nguyễn Triệu Luật cho rằng cần cải cách chữ QN trên cơ sở phân tích ngữ âm tiếng Việt...

Sau Cách mạng Tháng tám, trên tạp chí Tiên – phong và trong cuốn Chữ của dân tộc, tác giả Ngô Quang Châu lại nêu vấn đề này. Năm 1950, trong cuốn Cữ và vần Việd khwa họk, tác giả Nguyễn Bạt Tụy nêu ra nhiều ý kiến cải cách. Tác giả Hồng Giao nêu vấn đề trên tạp chí Văn - Sử - Địa (1957). Trần Lực có ý kiến trên báo Nhân Dân năm 1960. Năm 1961, tác giả Hoàng Phê viết chuyên khảo Vấn đề chữ quốc ngữ và sau đó đến năm 1998 đã đăng hàng loạt bài xung quanh vấn đề chữ QN… Cũng không thể không nhắc đến những cố gắng xóa bỏ bất hợp lý trong chữ QN bằng cách viết "Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng”… (1925) của cụ Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, có những thảo luận xung quanh vấn đề viết nguyên dạng hay phiên chuyển thế nào đối với các từ ngữ nước ngoài (bằng chữ QN) và vấn đề “i ngắn (i)” – “i dài (y)”…

Kết quả của những “cải cách cải tiến” đó là gì? Có một số thay đổi không cơ bản trong các quy định chính tả hiện nay so với trước kia. Tuy nhiên, về cơ bản thì chữ QN hiện nay vẫn chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt - La của Taberd (1772).

Trong lịch sử, chữ QN đã qua con đường khá dài trong truyền bá và sử dụng:

Trước hết phải nhớ rằng chữ QN thoạt kỳ thủy ra đời là nhằm mục đích để giúp các giáo sĩ ghi chép tiếng nói để truyền đạo. Sở dĩ nó cần, bởi vì như Alexandre de Rhodes thời ấy đã nhận xét: “Riêng tôi thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong nghe những người bản xứ nói chuyện với nhau, nhất là nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót líu lo và tôi đâm mất hết hy vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”.

Sau khi xâm lược nước ta, chính quyền Pháp đã nhận thấy chữ QN dễ học hơn chữ Hán và chữ Nôm Việt (các hệ chữ có trước khi có chữ QN ở Việt Nam) rất nhiều, có thể giúp các quan cai trị và dân bản xứ dễ giao tiếp với nhau hơn, nên khuyến khích dạy và học chữ này. Năm 1878, có một nghị định về việc chuẩn bị điều kiện để dùng chữ này làm chữ viết chính thức ghi tiếng Việt. Năm 1910, có thông tri của thống sứ Bắc Kỳ về việc dùng chữ QN trong các công văn, giấy tờ hành chính và sổ sinh tử giá thú. Cần biết thêm rằng thoạt đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối thứ chữ của “bọn mắt xanh mũi lõ” này, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ QN trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước, bắt đầu hô hào học và phổ biến chữ QN trong phong trào Đông kinh nghĩa thục.

Sau Cách mạng tháng Tám, chữ QN đã trở thành chữ viết chính thức duy nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tạ Văn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi dòng về những lần cải tiến chữ quốc ngữ Việt