Tiệm bánh mochi nướng ở Nhật Bản đã có bề dày lịch sử tồn tại suốt 1.020 năm với chỉ một sản phẩm duy nhất.
Đối với người dân Kyoto, tiệm bánh mochi nướng nằm ở cổng Imimaya Jinja, một đền Thần đạo nổi tiếng đã không còn xa lạ. Đền được xây dựng vào năm 994, để người dân đến cầu nguyện trận đại dịch đang hoành hành ở cố đô vào thời điểm đó nhanh chóng kết thúc. 6 năm sau, một tiệm bánh mochi mang tên Ichiwa của gia đình Naomi Hasegawa đã ra đời, nhằm phục đồ ăn và thức uống giải khát cho những người đi lễ.
Hơn một thiên niên kỷ đã trôi qua, đại dịch COVID-19 ập đến tàn phá nền kinh tế Kyoto làm giảm lượng khách tới thăm quan một cách rõ rệt. Thế nhưng, gia đình nhà Hasegawa không quá lo lắng về tình hình tài chính của cửa hàng bánh mochi nướng vì khách vẫn nườm nượp ghé ăn mỗi ngày.
Điều đặc biệt ở tiệm bánh này là suốt một thời gian dài, thực đơn chỉ có một món bánh mochi dango. Đây là loại bánh truyền thống của Nhật Bản, được làm bằng bột gạo. Bánh mochi dango được làm với nhiều hình dạng, tùy vào văn hóa của từng vùng nhưng phổ biến là bánh dango hình tròn, có chỗ nặn hình chữ nhật hay hình dẹt như ở Ichiwa.
Trong lịch sử, những người phụ nữ thuộc dòng họ Hasegawa duy trì làm món bánh gạo gần như theo cùng một phương pháp. Họ lấy nước từ một con suối nhỏ vốn chảy vào hầm của quán để luộc gạo. Sau khi giã gạo xong, họ nặn những viên bột gạo tròn rồi xiên vào một que tre, phủ thêm một lớp bột bên ngoài cho khỏi dính. Sau đó, bánh sẽ được nướng trên bếp than cho tới khi cháy xém và tỏa mùi hương thơm phức.
Món bánh tinh tế này thường được phục vụ nóng cho những vị khách bởi khi nguội, bánh sẽ cứng và dai, ăn sẽ mất ngon. Nếu khách muốn uống thêm gì đó, cửa hàng sẽ rót thêm trà xanh rang.
Với cách làm truyền thống bao đời này, gia đình Hasegawa cũng hiện đại hoá một số thứ. Ví dụ, giới chức y tế địa phương đã cấm dùng nước giếng hay họ đã mua máy nghiền gạo để tiết kiệm thời gian lao động. Bên cạnh đó, sau nhiều thế kỷ để khách tự giác trả tiền, họ đã niêm yết giá cố định cho mỗi đĩa bánh.
Tiệm Ichiwa có không gian cổ kính, mang đậm nét thời gian, sàn được trải chiếu tatami ấm cúng. Khách đến ăn có thể ngồi ngoài trời gần cổng đền, ngắm dòng người đi lễ và phong cảnh xung quanh. Mỗi mùa, nơi đây lại khoác lên vẻ đẹp khác nhau. Mùa hạ thì cây cối xanh mát, mùa thu có lá vàng lá đỏ phủ khắp đền. Còn mùa đông tuyết rơi làm khung cảm trở nên huyền ảo rất lý tưởng đến thưởng thức bánh mochi và một cốc trà ấm nóng.
Các cơ sở kinh doanh hàng trăm năm tuổi như Ichiwa được gọi là shinise (doanh nghiệp truyền thống lâu đời), tức là niềm tự hào và sự mê hoặc. Chính quyền địa phương cũng như ngành du lịch quảng bá cho sản phẩm của họ bởi shinise chính là một trong những niềm tự hào của nước Nhật.
Ở đất nước Nhật Bản có rất nhiều thương hiệu lâu đời như vậy. Có khoảng hơn 33.000 công ty có tuổi đời từ 100 năm trở lên, chiếm 40% số công ty nhóm này trên thế giới. Hơn 3.100 doanh nghiệp đã tồn tại ít nhất 200 năm, khoảng 140 đã hoạt động hơn 500 năm và ít nhất 19 khẳng định đã qua 1.000 năm.
Phần lớn các doanh nghiệp lâu đời như Ichiwa là công ty gia đình nhỏ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ truyền thống.
Để tồn tại qua cả thiên niên kỷ, Hasegawa cho biết họ không chạy theo lợi nhuận. Bằng việc đặt truyền thống và sự ổn định lên trên cả, Ichiwa đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, thảm hoạ tự nhiên và sự thăng trầm của các triều đại. Trong trường hợp của Ichiwa là tín ngưỡng, họ phục vụ những người hành hương đến thờ.
Giá trị cốt lõi này được gọi là kakun, tức tôn chỉ hoạt động của gia đình. Điều này sẽ giúp định hướng cho nhiều quyết định kinh doanh của các công ty. Họ quan tâm đến nhân viên, hỗ trợ cộng đồng và hướng đến sản phẩm khơi lên sự tự hào. Với gia đình nhà Hasegawa, điều này đồng nghĩa chỉ làm một và làm thật tốt thứ đó. Họ từ chối vô số cơ hội mở rộng thương hiệu, bao gồm đề nghị kết hợp giao hàng trực tuyến từ Uber Eats.
Chủ tiệm Ichiwa là bà Naomi Hasegawa, 60 tuổi chia sẻ mọi thành viên của gia đình đều được dạy rằng “Miễn chính ta còn sống, cửa hàng phải còn hoạt động. Một lý do chúng tôi phải tiếp tục là chúng tôi ghét trở thành người phải chấm dứt hoạt động của cửa hàng”.