Lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016 gần như chắc chắn sẽ không giảm, trong khi những mục tiêu và kế hoạch điều chỉnh lãi suất trong dự thảo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì lại quá mơ hồ. Doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng khát vốn, trong khi đó khá nhiều ngân hàng lại đang ngày càng nới rộng các khoản vay dành cho khu vực FDI dù đó là điều không nên được phép diễn ra.

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng lại đem tiền cho FDI vay

Nhàn Đàm | 05/09/2016, 12:24

Lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016 gần như chắc chắn sẽ không giảm, trong khi những mục tiêu và kế hoạch điều chỉnh lãi suất trong dự thảo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì lại quá mơ hồ. Doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng khát vốn, trong khi đó khá nhiều ngân hàng lại đang ngày càng nới rộng các khoản vay dành cho khu vực FDI dù đó là điều không nên được phép diễn ra.

Một sự kiện nhận được sự quan tâm chú ý rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, là dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Bộ KH&ĐTsoạn thảo. Dự thảo này được xem sẽ đóng vai trò xương sống cho quá trình cải cách nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm sắp tới. Tuy nhiên nó lại đang nhận được không ít những thắc mắc từ phía các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng, khi mà bài toán lãi suất dường như vẫn chưa có lời giải một cách thỏa đáng.

Ở thời điểm hiện tại, lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016 gần như chắc chắn sẽ không giảm, trong khi những mục tiêu và kế hoạch điều chỉnh lãi suất trong dự thảo đề án của Bộ KH&ĐT thì lại quá mơ hồ. Doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng khát vốn, trong khi đó khá nhiều ngân hàng lại đang ngày càng nới rộng các khoản vay dành cho khu vực FDI dù lẽ ra đó là điều không được phép diễn ra.

Không hẳn là một sự quá lời nếu cho rằngbức tranh tài chính - ngân hàng - lãi suất của Việt Nam được thể hiện trong bản dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ KH&ĐT là một bức tranh khá ảm đạm. Những mục tiêu mà bản dự thảo đề án này đặt ra về bề ngoài thì khá tươi sáng, điển hình là việc kéo lãi suất cho vay về khoảng 5%/năm – bằng mức trung bình của các quốc gia đang phát triển khác; cùng với đó là mục tiêu duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm. Nói cách khác, những mục tiêu mà dự thảo đề án này đặt ra khá lý tưởng, khi lãi suất vay vốn ở Việt Nam sẽ ngang bằng với mức trung bình ở các nước đang phát triển khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển so với mức lãi suất thường là trên 10%/năm hiện nay. Ngoài ra lạm phát cũng sẽ được kiềm chế một cách triệt để nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Nhưng phía sau những mục tiêu đầy tươi sáng đó, lại đang là những dấu hỏi lớn. Trước hết là sự tương quan giữa lãi suất và lạm phát kỳ vọng mà bản dự thảo đề án này đặt ra. Đã có khá nhiều chuyên gia kinh tế đặt nghi vấn về việc có thể cùng lúc đạt được hai mục tiêu mà dự thảo đề án đưa ra, đó là kéo lãi suất cho vay về mức 5%/năm và neo kỳ vọng lạm phát cũng ở mức 5%/năm. Trên thực tế đó là điều gần như không thể xảy ra, nếu lãi suất cho vay là 5%/năm thì thông thường lãi suất huy động sẽ ở mức 1-2%/năm; vì chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tối thiểu đã chiếm khoảng 2%.

Nói cách khác, để có thể đạt được mức lãi suất huy động là từ 1-2%/năm thì lạm phát sẽ phải ở mức thấp hơn con số 1-2%/năm này, vì phải có sự chênh lệch nhất định để thu hút người gửi tiền (theo CafeF). Gần như không bao giờ có chuyện trong khi lạm phát ở mức 5%/năm mà lãi suất huy động lại có thể chỉ ở mức 1-2%/năm được, vì người dân sẽ không gửi tiền vào các ngân hàng trong tình trạng đó. Nói cách khác, nếu muốn kéo lãi suất cho vay về mức 5%/năm thì lạm phát phải thấp hơn mức 1-2%/năm; còn nếu như lạm phát ở mức 5% thì lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải ít nhất là từ 7-8% trở lên.

Dĩ nhiên, về lý thuyết không phải là không có cách để có thể kéo lãi suất cho vay về mức 5%/năm. Đó là giảm triệt để nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và đồng thời thay đổi thực chất nền tảng kinh tế đất nước. Hiện tại, mức nợ xấu cao đang là lý do khiến hầu hết các ngân hàng vẫn phải duy trì tỷ lệ vốn dự trữ để bảo hiểm thay vì đưa ra cho các doanh nghiệp vay. Ngoài ra, mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện đang dựa chủ yếu vào việc tăng nguồn cung tiền vào lưu thông qua hệ thống ngân hàng, nhờ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP hơn là đến từ năng lực sản xuất của nền kinh tế (theo The Saigon Times). Vì vậy nếu muốn sử dụng một lượng vốn ít hơn mà vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đương, thì yếu tố then chốt là phải đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại có rất ít các điều kiện thuận lợi để thực hiện giải pháp này. Nợ xấu vẫn đang ở mức rất cao trong khi các hoạt động mua bán nợ của VAMC lại đang diễn ra quá chậm chạp. Cùng với đó là việc nguồn vốn cho vay của các ngân hàng đang khá hạn chế, nhưng lại đang bị phân tán rất mạnh bởi việc các ngân hàng cho các dự án FDI vay vốn đang ngày càng tăng lên, dù về lý thuyết điều này không được phép xảy ra.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, thì hiện nay dư nợ cho vay đối với các dự án FDI đạt khoảng 100.000 tỉđồng. Đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016 đã có hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký cam kết tài trợ vốn cho các dự án FDI. Điển hình như VietinBank dư nợ cho khối FDI vay của ngân hàng này trong năm 2015 tăng tới 37,5% so với năm 2014, và trong những tháng đầu năm 2016 ngân hàng này đã đưa ra một gói tín dụng riêng phục vụ các doanh nghiệp FDI có tổng giá trị khoảng 20.000 tỉ đồng. Vietcombank cũng tương tự khi đã dành ra hơn 10.000 tỉ đồng cho các dự án FDI vay (theo CafeF).

Tình trạng các NHTM cho các dự án FDI vay vốn về cơ bản đang bóp méo một cách nghiêm trọng chính sách đối với thu hút FDI của Việt Nam. Về lý thuyết, ba lợi ích cơ bản mà các doanh nghiệp FDI mang đến một quốc gia là vốn, công nghệ, cách thức quản lý; chỉ khi đạt ba điều kiện trên mới được xem là thuộc diện FDI. Vì thế, việc cho phép các NHTM trong nước cho các dự án FDI vay vốn là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trên, và đồng nghĩa với việc vi phạm nghiêm trọng lợi ích quốc gia. Vì dự án đầu tư FDI đã sử dụng đất đai, nguyên liệu, nhân công tại nước sở tại, mà còn vay vốn từ trong nước để tiến hành dự án thì đồng nghĩa với những rủi ro rất lớn. Việc cho phép các NHTM cho các dự án FDI vay vốn là một sự dễ dãi quá mức cần thiết, nó biến Việt Nam không còn là quốc gia thu hút FDI nữa, mà đã trở thành một quốc gia làm thuê thực sự, cung cấp đủ thứ từ A-Z cho các doanh nghiệp nước ngoài trừ công nghệ.

Việc các NHTM cho các dự án FDI vay vốn trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang khát vốn nghiêm trọng và phải vay mượn với lãi suất rất cao, rõ ràng là một nghịch lý không thể hiểu nổi. Vẫn biết là các NHTM cũng phải ưu tiên vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh, nhưng quy định cho phép các dự án FDI vay vốn trong nước cần phải được xem xét lại trên khía cạnh quản trị nền kinh tế quốc gia, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Khi Chính phủ đang nỗ lực cải cách nền kinh tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, thì rõ ràng lãi suất vừa quá cao lại vừa quá khan hiếm trong khi các NHTM lại sẵn sàng cho các dự án FDI vay cần phải được xem xét và điều chỉnh lại càng sớm càng tốt.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng lại đem tiền cho FDI vay