"Quy trình thiếu minh bạch, một số DN thiếu năng lực nhưng thông qua thân hữu, lót tay xin được dự án, rồi bán cho nước ngoài kiếm lời”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Do đâu những dự án năng lượng tái tạo còn chưa 'sạch'?

Lam Thanh | 30/10/2020, 11:40

"Quy trình thiếu minh bạch, một số DN thiếu năng lực nhưng thông qua thân hữu, lót tay xin được dự án, rồi bán cho nước ngoài kiếm lời”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Quy hoạch thiếu đồng bộ

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng nguồn năng lượng sơ cấp của nước ta đang cạn dần, khả năng cung ứng hạn chế, nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện gia tăng; cơ cấu điện năng không còn thích hợp với định hướng phát triển “kinh tế xanh” của quốc gia.

nguyen-mai.jpg
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Ảnh: Cafef

Theo đó, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) được nhiều chuyên gia kỳ vọng là “đòn bẩy” bù đắp nguy cơ thiếu điện trong tương lai.
Theo ông Mại, trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia ghi nhận một hiện tượng “chưa từng có trong lịch sử 65 năm ngành điện” khi đón nhận gần một trăm nguồn điện vào hệ thống chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện, 3 tháng đầu năm 2019 thêm 5 nhà máy, từ tháng 4 đến tháng 6 có 81 nhà máy mới vào hệ thống điện năng; 6 tháng đầu năm 2019 có gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với công suất gần 4.500 MW.

“Các con số thống kê đã thể hiện tiềm năng của năng lượng tái tạo của nước ta và chính sách khuyến khích phát triển NLTT đã phát huy tác dụng rõ rệt”, ông Mại nói.

Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020.

Ông Mại cho rằng khi xây dựng quy hoạch, Bộ Công thương chưa dự báo chính xác tác động của chính sách ưu đãi đối với NLTT nên không điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện năng, do đó công suất điện gió và điện mặt trời đã vượt xa mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Theo phản ảnh của nhiều nhà đầu tư thì đã nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch cơ sở hạ tầng khác; quy trình xem xét, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường kéo dài thời gian, gây chậm trễ và lãng phí lớn.

“Tình trạng “chạy quy hoạch” năng lượng điện, nhất là NLTT kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi hấp dẫn, quy định thời gian được hưởng ưu đãi NLTT để đưa vào quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch đã diễn ra khá phổ biến vì thiếu công khai, minh bạch đối với nhà đầu tư”, ông Mại nói.

Ngoài ra, một số cơ chế mới đối với đầu tư và phát triển dự án NLTT như cơ chế đấu thầu giá điện cạnh tranh, cơ chế “hợp đồng mua bán điện” trực tiếp với bên mua điện tư nhân… là cơ chế hấp dẫn nhưn hiện chưa có hướng dẫn nên chưa được triển khai; nhà đầu tư tư nhân quan ngại về tính minh bạch và chắc chắn của cơ chế chia sẻ, phân bổ, quản lý rủi ro để đảm bảo thành công của hợp đồng.

Sách nhiễu, bôi trơn

Bình luận về mặt chính sách, ông Mại cho biết Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với điện mặt trời quy định các dự án vận hành thương mại trước tháng 7.2019 được hưởng giá ưu đãi 2.100 đồng/ kWh trong 20 năm kể từ ngày vận hành. Sau đó, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng đối với dự án điện gió quy định dự án vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 được hưởng giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh trong 20 năm kể từ ngày vận hành.

“Hai quyết định quan trọng đó đã tạo nên cao trào đầu tư vào NLTT, tuy vậy cũng nảy sinh khó khăn cho nhà đầu tư. Không ít nhà đầu tư “ăn không ngon ngủ không yên” do không kịp đưa dự án vào vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi nên có thể đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Mại chia sẻ.

Theo chuyên gia này, chính sách thiếu đồng bộ cũng gây lãng phí nguồn năng lượng mới, trong khi khuyến khích đầu tư tư nhân vào dự án NLTT thì chưa cho tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện nên nhiều dự án sau khi hoàn thành chỉ phát lên lưới 30-40% công suất do đường dây quá tải, trầm trọng nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hơn nữa, quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư, trong đó thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng thường tốn nhiều thời gian nhất.

Do vậy nảy sinh tình trạng sách nhiễu của môt số công chức nhà nước, nhà đầu tư buộc phải có “chi phí bôi trơn”. Thực trạng đó đã ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

“Do quy trình thiếu công khai, minh bạch nên một số nhà đầu tư trong nước dù không đủ năng lực thực hiện, nhưng thông qua quan hệ thân hữu và “chi phí lót tay” xin được dự án NLTT sau đó bán cho nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời nhiều chục tỉ đồng”, ông Mại nói.

2 ví dụ điển hình về chuyển nhượng dự án là tháng 3.2019 các cổ đông của VSP Bình Thuận II đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc và hai người Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%).

Năm 2019, Reonyuan Power Singapore được thành lập tại Singapore, là công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim, đã mua lại toàn bộ cổ phần trong HCG Tây Ninh và Hoàng Thái Gia, trở thành chủ sở hữu dự án quy mô 100MW, nắm trong tay khu đất 117ha tại biên giới với Campuchia.

“Cần lưu ý rằng, an ninh quốc gia trong quá trình phát triển các dự án năng lượng, trong đó có NLTT cần được coi trọng khi lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện tình hình chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường trước”, ông Mại nói.

Ngăn chặn tình trạng chạy, mua bán dự án

Về triển vọng tương lai, ông Mại đánh giá nước ta còn nhiều dự địa để phát triển nhanh và có hiệu quả hơn NLTT.

Theo đó, cần rà soát các văn bản pháp lý có liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh tạo hành lang pháp lý đủ thông thoáng, hấp dẫn, chặt chẽ. Cần cân nhắc việc xây dựng Luật khuyến khích đầu tư, phát triển NLTT để giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, cũng như bổ sung cơ chế mới như cơ chế đấu thầu cạnh tranh điện mặt trời và điện gió và cơ chế mua bán điện trực tiếp.

“Quy hoạch khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư tiếp cận một cách bình đẳng, cũng như để cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức tư vấn xã hội theo giõi, giám sát. Quy hoạch phải được thực hiện nghiêm minh, không để tình trạng “chạy dự án”, mua bán dự án để trục lợi, coi nhẹ an ninh quốc gia”, ông Mại nói.

Bên cạnh đó, chính sách giá điện cần kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư (tài chính, tín dụng) theo cơ chế thị trường, ổn định, minh bạch, có tính dự báo cao để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách giá điện NLTT cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ, góp phần tích cực vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

“Cần áp dụng nguyên tắc “không hồi tố” đối với nhà đầu tư để bảo đảm lợi ích hợp pháp của họ khi nhà nước thay đổi chính sách giá điện; Cải tiến cơ chế chia sẻ rủi ro trong hợp đồng đối với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ…”, ông Mại nói.

Bài liên quan
Cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo
Trong quá trình phát triển năng lượng ở Việt Nam, các khoản đầu tư để thúc đẩy sự tăng trưởng này là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chú ý đến Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do đâu những dự án năng lượng tái tạo còn chưa 'sạch'?