“Không thể chấp nhận có tình trạng có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo. Đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

TT Nguyễn Xuân Phúc: Không thể chấp nhận nghịch lý có tiền mà không tiêu được

Lam Thanh | 29/10/2020, 16:02

“Không thể chấp nhận có tình trạng có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo. Đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sáng 29.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Theo Bộ KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31.10.2020 ước đạt 18.089 tỉ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỉ đồng) và tỉ lệ (27,09%).

Về giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020, ước đến ngày 31.10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ GTVT có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%.

Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỉ đồng).

Thủ tướng đề nghị thảo luận “nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp như vậy”. Vấn đề thấy rõ nhất là giải phóng mặt bằng. Tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, có phải do chúng ta chưa quan tâm, chưa có cách làm đúng mức không? Thủ tướng nêu rõ, vấn đề mặt bằng này chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh.

“Các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có cách làm tốt trong tìm mặt bằng tốt cho dự án ODA chưa?”, Thủ tướng nói.

Vấn đề nữa là vốn đối ứng. Thủ tướng nêu tình trạng, nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án, “giải pháp nào cho vấn đề này”. Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, “cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA thì phải nói rõ”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”.

Thủ tướng cho rằng, “chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được”, còn làm việc nửa vời thì không ổn.

Lấy ví dụ tỉnh Ninh Bình một tháng họp HĐND một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư, Thủ tướng lưu ý, “cứ để mãi cả 6-7 tháng không đề cập, bí thư, chủ tịch không đi kiểm tra đôn đốc, không đưa ra Ban Thường vụ để kiểm tra, phê bình, nhắc nhở thì làm sao chuyển biến được. Phải rà lại các nguyên nhân xem chủ đầu tư, chủ dự án đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa”.

Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, các bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn nhân sách Nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông…

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “phải để tâm vào” chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi chính sách.

“Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA.

“Các đồng chí theo dõi trong đó có vấn đề cán bộ không biết làm việc, cán bộ tiêu cực, cán bộ vì lợi ích nhóm mà không triển khai”, Thủ tướng nêu rõ.

Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỉ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hằng tháng, Bộ KH-ĐT tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021, đừng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.

Bên cạnh đó, sửa đổi Nghị định 56 nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác.

“Tôi đề nghị các đồng chí đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay”, Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh “cuối năm sẽ kiểm điểm xem tỉnh nào, thành phố nào làm tốt, phê bình tỉnh, địa phương nào chây ì, không làm tốt”.

Bài liên quan
Không chấm dứt đầu tư công tràn lan thì không hạn chế được nợ công
“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TT Nguyễn Xuân Phúc: Không thể chấp nhận nghịch lý có tiền mà không tiêu được