Hãng Reuters cho biết sản lượng điện mặt trời ở Nam Âu tăng mạnh góp phần ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng trong các đợt nắng nóng vài tuần gần đây, khi nhiệt độ kỷ lục khiến nhu cầu dùng điều hòa tăng vọt.
Tổng thư ký hiệp hội công nghiệp điện Eurelectric Kristian Ruby nói về tình hình tại Tây Ban Nha: “Sự tăng trưởng rất đáng kể của năng lượng mặt trời về cơ bản đáp ứng được cao điểm sử dụng điện từ điều hòa”.
Tây Ban Nha cùng Hy Lạp thuộc số quốc gia lắp đặt thêm pin mặt trời khi giá khí đốt tăng cao do cuộc chiến tại Ukraine.
Đơn vị điều hành lưới điện Tây Ban Nha Red Electrica cho biết nhờ bổ sung 4,5 gigawatt công suất điện mặt trời vào năm ngoái mà sản lượng tháng 7 (thường là một trong những tháng nắng nhất) đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo dữ liệu từ tổ chức Ember, tỷ lệ điện mặt trời trong tổng điện năng của Tây Ban Nha tăng từ 16% (tháng 7.2022) lên gần 24% (tháng 7.2023).
Còn dữ liệu của Refinitiv cho thấy khi nhiệt độ cao cùng nhu cầu làm mát khiến nhu cầu sử dụng điện tại đảo Sicily đạt đỉnh vào ngày 24.7, gần một nửa nhu cầu tăng thêm - tương đương 1,3 gigawatt - được đáp ứng bởi điện mặt trời. Sản lượng điện mặt trời vào tháng trước của Sicily cao hơn gấp đôi so với tháng 7.2022.
Một mình điện mặt trời không thể “giải cứu” toàn bộ lưới điện. Vùng Catania vẫn phải chịu cảnh cắt điện và nước, giới chức địa phương đổ lỗi cho nắng nóng cực đoan. Tại Athens, đơn vị vận hành lưới điện Hy Lạp IPTO cho biết cháy rừng làm hư hại nhiều phần mạng lưới cung cấp năng lượng.
Nhu cầu sử dụng điện ở Hy Lạp cũng vừa đạt đỉnh ngày 24.7. Điện mặt trời đáp ứng 3,5 gigawatt trên tổng số 10,35 gigawatt nhu cầu.
Ở quốc gia mát mẻ và ít nắng hơn như Bỉ, điện mặt trời đáp ứng hơn 100% nhu cầu tăng thêm.
Liệu có đáp ứng được nhu cầu trong tương lai?
Dù phát triển mạnh mẽ, điện mặt trời hiện chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong cơ cấu năng lượng ở hầu hết các quốc gia.
Giới phân tích cho rằng ngoài nhờ công suất điện mặt trời bổ sung, một yếu tố khác giúp duy trì các hệ thống năng lượng tại châu Âu là nhu cầu sử dụng thấp vì người dân thích ứng với khủng hoảng năng lượng xảy ra năm ngoái.
Nhiệt độ mùa hè năm nay phá vỡ kỷ lục, nhưng nhìn chung nhu cầu vẫn ở dưới mức bình thường. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy mức sử dụng điện trung bình mỗi giờ ở Ý trong tháng 7 thấp hơn 4,4% so với tháng 7.2022, nhu cầu ở Tây Ban Nha giảm 3,6%.
Các nhà khoa học dự báo nắng nóng tại Nam Âu sẽ trở nên thường xuyên hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn - làm tăng thêm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu.
Theo chuyên gia Simone Tagliapietra (tổ chức nghiên cứu Bruegel): “Các hệ thống năng lượng của chúng ta không được thiết kế để đối phó tình huống như vậy”.
Ngay cả trước khi cháy rừng cùng nắng nóng năm nay, hạn hán năm ngoái đã làm giảm sản lượng thủy điện, cản trở hoạt độngvận chuyển nhiên liệu bằng đường sông và buộc một số nhà máy điện hạt nhân phải giảm sản lượng do việc làm mát bị hạn chế.
Trong thư gửi Ủy ban châu Âu tuần trước, một số hiệp hội ngành như SolarPower Europe hối thúc giới hoạch định chính sách tăng tốc đầu tư vào lưới điện và thúc đẩy các dự án kết hợp năng lượng mặt trời với lưu trữ năng lượng.