Singapore và Đài Loan, những câu chuyện thành công trong việc kiểm soát COVID-19, đều đang nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế và thắt chặt việc đi lại để phòng dịch.

Dịch COVID-19 diễn biến khó lường ở Singapore và Đài Loan

Long Hải | 16/05/2021, 09:30

Singapore và Đài Loan, những câu chuyện thành công trong việc kiểm soát COVID-19, đều đang nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế và thắt chặt việc đi lại để phòng dịch.

dai-bac.jpg
Một trạm kiểm tra nhanh COVID-19 ở Đài Bắc được thiết lập sau đợt bùng phát gần đây

Ngày 15.5, Đài Loan đã ghi nhận thêm 180 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng với 132 trường hợp không rõ nguồn lây. Đây là số ca nhiễm cao kỷ lục theo ngày tại hòn đảo này từ đầu dịch COVID-19 tới nay.

Các nhà chức trách đã nâng mức cảnh báo ở Đài Bắc và Tân Bắc lên cấp 3 trong hệ thống phân loại 4 cấp, hạn chế các cuộc tụ họp gia đình và ra lệnh đóng cửa nhiều ngành công nghiệp.

Theo truyền thông địa phương, các biện pháp được áp dụng trong cấp độ 3 bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; giới hạn tụ tập ngoài trời là 10 người và họp mặt trong nhà là 5 người; đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu, thực thi pháp luật, dịch vụ chính phủ và y tế.

Trong khi đó, Singapore cũng đang đối mặt với tình trạng tái bùng phát dịch COVID-19 sau một thời gian nỗ lực kiểm soát dịch hiệu quả. Nước này cũng gia tăng số ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn gốc.

Sân bay Changi đã trở thành ổ dịch lớn nhất ở đảo quốc sư tử hôm 13.5 với 46 ca COVID-19 được ghi nhận. Ngày 15.5, Singapore có thêm 31 ca mắc mới với 19 trường hợp lây nhiễm cộng đồng.

Chính quyền Singapore đã siết chặt các biện pháp chống dịch COVID-19. Từ ngày 16.5 tới 13.6, Singapore chỉ cho phép tụ tập tối đa 2 người, nhà hàng chỉ được bán mang đi. Các nhân viên công sở sẽ làm việc tại nhà nếu có thể.

nha-hang.jpg
Người dân dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm mua sắm ở Singapore trước khi các hạn chế thắt chặt - Ảnh: Getty Images

Các đợt bùng phát COVID-19 và các biện pháp kiểm soát vi rút đe dọa tiến trình mở cửa trở lại của ngành du lịch trong khu vực. Singapore trước đây cho phép du khách từ Đài Loan nhập cảnh mà không cần kiểm dịch. Tuy nhiên hôm 16.5, nước này đã cấm nhập cảnh đối với du khách có lịch sử đến Đài Loan trong 21 ngày qua; đồng thời yêu cầu công dân, thường trú nhân và người có thẻ dài hạn phải cách ly khi họ đến.

Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương của Đài Loan cũng đã giáng cấp Singapore xuống “nguy cơ trung bình” từ nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có “nguy cơ thấp” bao gồm New Zealand, Macau, Việt Nam và Úc.

Trong khi đó, hành lang đi lại không có kiểm dịch đã được chờ đợi từ lâu giữa Hồng Kông và Singapore, hai trong số những trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, có thể sẽ không được khởi động như kế hoạch vào cuối tháng này trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở đảo quốc sư tử.

Singapore và Đài Loan được coi là những ví dụ điển hình trong việc kiểm soát thành công COVID-19. Người dân địa phương phần lớn đã đi vào cuộc sống hàng ngày mà không sợ bị lây nhiễm trong khi vi rút này tàn phá hầu hết thế giới.

Đài Loan không có một ca nhiễm COVID-19 nào trong nước từ tháng 4 đến tháng 12.2020. Trong khi đó, Singapore được xem là nơi tốt nhất để ở trong “kỷ nguyên coronavirus” theo Bảng xếp hạng khả năng phục hồi trước COVID-19 của Bloomberg.

Giới chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để thúc đẩy kinh tế có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới số ca nhiễm tăng vọt trở lại gần đây tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, ở Thái Lan, làn sóng dịch mới nhất có liên quan tới các hộp đêm ở Bangkok và số ca nhiễm tăng lên trong dịp Tết cổ truyền Songkran.

Ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hiệp hội Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), lo ngại Đông Nam Á có nguy cơ đi theo “vết xe đổ” của Ấn Độ và khu vực Nam Á.

“Chúng ta đang chứng kiến các dấu hiệu ban đầu ở Đông Nam Á. Số ca nhiễm tại đây đang tăng lên theo cách tương tự với những gì đã xảy ra cách đây 4 tuần ở Nam Á. Đợt bùng dịch thứ hai thật sự đang lan từ từ ra khắp châu Á”, ông Abhishek Rimal nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch COVID-19 diễn biến khó lường ở Singapore và Đài Loan