Theo dữ liệu mới từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), tháng 6.2024 là tháng ấm nhất được ghi nhận với nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp.
Kiến thức - Học thuật

Điều gì tiếp theo khi Trái đất trải qua 13 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nóng?

Anh Tú 15:51 09/07/2024

Theo dữ liệu mới từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), tháng 6.2024 là tháng ấm nhất được ghi nhận với nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp.

Những phát hiện vừa được công bố hôm qua bởi C3S, một tổ chức khoa học nằm trong chương trình không gian của EU, cho thấy tháng 6 chứng kiến ​​nhiệt độ không khí trên bề mặt Trái đất cao hơn 0,67 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020 và phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 6 năm ngoái.

Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu

Theo dữ liệu dựa trên hàng tỉ phép đo từ tàu thuyền, vệ tinh, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới, tháng 6 năm nay là tháng thứ 13 liên tiếp có nhiệt độ trung bình phá kỷ lục.

Tháng 6 vừa qua cũng là tháng thứ 12 liên tiếp mà nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 1850 đến 1900. Đó là khi con người bắt đầu làm hành tinh nóng lên bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch và bơm khí nhà kính vào khí quyển.

Rebecca Emerton, nhà khoa học hàng đầu của C3S nói với DW: “Chúng ta biết rằng khí hậu của hành tinh đang thay đổi và ấm lên, nhưng chuỗi nhiệt độ nóng kỷ lục, cả trên không và trên biển, là điều đặc biệt và đáng lo ngại. Chúng ta lường trước sẽ thấy những kỷ lục mới, nhưng vẫn phải ngạc nhiên khi thấy những kỷ lục bị phá vỡ với số lượng lớn như vậy, đặc biệt trong năm qua”.

Emerton nói thêm rằng khi khí hậu của Trái đất ấm lên, chúng ta có thể sẽ thấy ngày càng nhiều hiện tượng cực đoan hơn và “những đợt nóng ngày càng kéo dài với nhiệt độ ngày càng nóng hơn sẽ chỉ khiến hiện tượng cực đoan có khả năng xảy ra cao hơn”.

Dữ liệu cho thấy ở châu Âu, nhiệt độ vượt mức trung bình với biên độ cao nhất được ghi nhận ở các khu vực phía đông nam và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đối với phần còn lại của thế giới, Brazil, Trung Đông, bắc Phi, tây Nam Cực, Mexico và các bang phía tây của Mỹ là những nơi có nhiệt độ tăng cao nhất.

Và cái nóng oi bức không chỉ ở lục địa. Dữ liệu cũng cho biết nhiệt độ trung bình mặt nước biển trong tháng 6 đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp phá kỷ lục. Sự nóng lên của đại dương có thể khiến mực nước biển dâng cao và dẫn đến tẩy trắng san hô, tăng cường bão và gây thiệt hại cho sinh vật biển.

Tại sao nóng vượt thời kỳ tiền công nghiệp 1,5 độ C lại nghiêm trọng?

Khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt, cũng như nạn phá rừng và chăn nuôi gia súc.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới khi thông qua Thỏa thuận Paris vào năm 2015, đều đồng ý kìm hãm việc tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giữ nhiệt độ này ở mức dưới 1,5 độ C.

Sergey Paltsev, phó giám đốc Chương trình chung về Khoa học và Chính sách Thay đổi Toàn cầu của Viện kỹ thuật Massachusetts, nói với DW rằng việc vượt qua mục tiêu 1,5 độ C không có nghĩa là thảm họa xảy ra ngay lập tức đối với loài người.

Ông giải thích: “Khoa học không nói với chúng ta rằng nếu nhiệt độ tăng 1,51 độ C thì đó chắc chắn sẽ là ngày tận thế”.

Tuy nhiên, mốc 1,5 độ được coi là tuyến phòng thủ trước những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho biết nếu nhiệt độ vượt quá mức 1,5 độ C này, thì sẽ có thêm hàng triệu người phải đối mặt với những tác động thảm khốc của thời tiết khắc nghiệt, gồm cả sóng nhiệt, bão và cháy rừng.

Nhiều quốc gia đang phát triển, mặc dù chỉ chiếm rất ít vào lượng khí thải toàn cầu, nhưng lại đang phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Chúng ta đã vượt qua ngưỡng 1,5 độ C chưa?

Không hoàn toàn, nhưng chúng ta đang tiến gần hơn ngưỡng đó. Emerton cho biết: “Hiện tại, 12 tháng liên tiếp nhiệt độ đạt hoặc vượt ngưỡng 1,5 độ C không có nghĩa là Thỏa thuận Paris đã bị vi phạm”.

"Các giới hạn của Thỏa thuận Paris là mục tiêu cho nhiệt độ trung bình của hành tinh trong khoảng thời gian hai mươi hoặc ba mươi năm. Thế nhưng, điều quan trọng là phải theo dõi xem chúng ta đang tiến gần đến các ngưỡng dài hạn với tốc độ như thế nào và tác động tích lũy của việc vượt quá nhiệt độ trong ngắn hạn sẽ ngày càng nghiêm trọng ra sao".

Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận với gần 50% số ngày có nhiệt độ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những phát hiện mới cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 7.2023 đến tháng 6.2024 cao hơn 1,64 độ C so với số liệu thời tiền công nghiệp.

Trong phát hiện mới công bố, 13 tháng liên tiếp nhiệt độ phá kỷ lục là “bất thường”. Dù vậy, C3S lưu ý rằng một chuỗi nhiệt độ tương tự đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2016.

Những gì vẫn có thể được thực hiện?

Carlo Buontempo, giám đốc C3S từng đặt vấn đề: “Cuộc thảo luận thực sự cần làm là: Liệu chúng ta có thể trở lại dưới lằn ranh 1,5 độ C lần nữa vào cuối thế kỷ này không?”, rồi đưa ra câu trả lời: "Chúng ta có các công cụ để biến mục tiêu 1,5 độ C thành hiện thực nhưng điều đó có nghĩa là phải cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính".

Để duy trì trong giới hạn của Paris, các nhà khoa học cho biết lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu sau khi đạt đỉnh vào năm 2025 phải bắt đầu giảm mạnh, cụ thể là giảm hơn 40% vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050.

Trong khi cần tăng cường hành động nhanh chóng thì việc làm chậm biến đổi khí hậu đã đạt được tiến bộ. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các công nghệ xanh khác như ô tô điện đang phát triển nhanh chóng và giá thành ngày càng giảm. Trước Thỏa thuận Paris, thói quen tiêu thụ của loài người đã khiến giới khoa học cảnh báo viễn cản Trái đất vào năm 2100 sẽ nóng hơn thời tiền công nghiệp đến 3,5 độ C.

Buontempo cảnh báo: “Ngay cả khi các chuỗi hiện tượng cực đoan (El Nino) kết thúc vào một lúc nào đó, chúng ta chắc chắn vẫn sẽ thấy những kỷ lục mới về nhiệt độ bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục nóng lên. Đây là điều không thể tránh khỏi, trừ khi chúng ta ngừng thải khí nhà kính vào khí quyển và đại dương”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì tiếp theo khi Trái đất trải qua 13 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nóng?