Từ ngày 1.1.2021 đồng loạt tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân. Bên cạnh đó, dự tính sẽ hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân vào 1.5.2021.

Đến 1.5.2021 sẽ hoàn thành cấp số định danh cá nhân

Lam Thanh | 23/04/2021, 12:35

Từ ngày 1.1.2021 đồng loạt tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân. Bên cạnh đó, dự tính sẽ hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân vào 1.5.2021.

57/57 nhiệm vụ hoàn thành

Ngày 23.4, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị tổng kết Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

pho-thu-tuong.jpg
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Ảnh: VGP

Báo cáo tổng kết cho thấy 57/57 (100%) nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành, quá trình triển khai thực hiện đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn nổi bật, nhất là nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến giấy tờ công dân.

Kết quả của Đề án 896 đã tạo nền tảng để nâng cao hiệu quả quản lý dân cư theo hướng hiện đại, triển khai các phương án cải cách hành chính, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, về cơ bản nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân đã được thực hiện theo đúng tiến độ.

Cùng với đó, đã cơ bản hoàn thành việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư và nhập liệu vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xác định một trong những vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và được bổ sung, cập nhật thường xuyên.

Bộ Công an đã ban hành các quy trình, quy chế cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp công an trong công tác này; đã chỉ đạo các lực lượng ở cơ sở (cảnh sát khu vực, công an xã) “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu.

Tính đến ngày 5.3, tổng số nhân khẩu thường trú cả nước là 98.736.106 nhân khẩu (trong đó số nhân khẩu thường trú 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh là 11.864.261 nhân khẩu).

Trong đó, đã thu thập được 86.603.192 phiếu DC01 của 59/63 địa phương; chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh đã có sẵn là 11.204.794 (đạt 99,06%); cập nhật được 16.050.224 phiếu DC02. Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Đến 1.5.2021 sẽ hoàn thành cấp số định danh cá nhân

Về cấp số định danh cá nhân thông qua giấy khai sinh cho trẻ em mới sinh, thực hiện nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã phối hợp xây dựng, triển khai cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1.1.2016.

Tính đến hết ngày 24.3, hệ thống của Bộ Tư pháp đã cung cấp 5.454.937 dữ liệu đăng ký khai sinh hợp lệ của công dân Việt Nam (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào hệ thống chưa đủ 14 tuổi và có ngày đăng ký khai sinh từ 1.1.2016 trở đi), tương ứng với 5.454.937 số định danh cá nhân được cấp cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời cung cấp hơn 16 triệu thông tin công dân (thông tin của cha, mẹ trẻ em) là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, phù hợp với yêu cầu của Đề án 896 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc cấp số định danh cá nhân thông qua cấp căn cước công dân, từ ngày 21.9.2012, Bộ Công an đã thực hiện cấp chứng minh nhân dân mới (12 số) và từ ngày 1.1.2016 đã chuyển sang thực hiện cấp thẻ căn cước công dân.

Đến hết năm 2020 đã cấp được khoảng 14 triệu thẻ căn cước công dân tại 16 địa phương. Từ ngày 1.1.2021 đồng loạt tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân tại 63/63 địa phương. Hiện tại đang cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam, dự kiến đến 1.5.2021 sẽ hoàn thành.

Tổng hợp kết quả rà soát của 22 bộ, ngành, đến nay trong tổng số 1.934 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 TTHC, chiếm tỷ lệ 58,2%.

Trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 TTHC, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 TTHC, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.

Cùng với đó, đã đề xuất rà soát bổ sung đối với 399 TTHC, đề xuất các phương án đơn giản hóa mạnh mẽ hơn đối với 406 TTHC, nâng tổng số thủ tục có phương án lên 1.525 TTHC.

Không để ‘quyền anh, quyền tôi’ trong quá trình thực hiện

Phó thủ tướng Thường trực cho rằng quá trình thực hiện Đề án 896 phải có quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư là vấn đề khó khăn, phức tạp với khối lượng công việc đặt ra rất lớn và có nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, trên cơ sở tất cả vì nhiệm vụ chung, mục đích cao nhất là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cát cứ theo từng lĩnh vực.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, BCĐ cho rằng, mặc dù Đề án 896 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong giai đoạn 2013 -2020, nhưng những kết quả này mới mang tính chất nền tảng. Nhiều nhiệm vụ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, trọng tâm là 3 nhóm nhiệm vụ.

Theo đó, cần tổ chức thực hiện quyết liệt và hoàn thành việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (theo 19 nghị quyết Chính phủ đã ban hành).

Đồng thời, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác, sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Cuối cùng là duy trì bảo đảm hoạt động thường xuyên của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư, bảo đảm thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến 1.5.2021 sẽ hoàn thành cấp số định danh cá nhân