Việc này nhằm tạo cho Hà Nội có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.

Đề xuất nâng mức dư nợ vay của Hà Nội lên 90%

27/04/2020, 17:42

Việc này nhằm tạo cho Hà Nội có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo - Ảnh: VPQH

Chiều 27.4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19.5.2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, căn cứ vào khoản 2 điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, thủ đô Hà Nội được thực hiện cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được giao thẩm quyền cho ý kiến về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại và một số cơ chế đặc thù đối với TP.HCM cùng một số địa phương khác (khoản 1 điều 74 Luật Ngân sách nhà nước).

Tuy nhiên, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi nghị định hiện hành đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù (một số cơ chế có thời hạn 3 năm, có cơ chế áp dụng dài hạn), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Về phân cấp, phân quyền cho HĐND thành phố, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức bố trí 2% cho khoa học - công nghệ, 20% cho giáo dục và đào tạo tính trong tổng thể chi ngân sách quốc gia. Còn mức bố trí cho từng địa phương trong thực tế có thể cao hoặc thấp hơn.

Hiện nay, dự toán chi cho khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo do Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. HĐND thành phố Hà Nội căn cứ vào dự toán được Quốc hội quyết định để quyết định dự toán ngân sách cấp mình, trong đó, chi cho khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo không thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định.

Như vậy, điều này đã bảo đảm tính chủ động của địa phương, không cần thiết quy định nội dung này như dự thảo. Ủy ban này Chính phủ chỉ đạo, thực hiện quy trình lập, quyết định dự toán ngân sách hằng năm để sát với thực tế của địa phương, bảo đảm tổng chi ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực này trong phạm vi cả nước bảo đảm tỷ lệ như quy định.

Mặt khác, để có cơ sở khoa học, thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định về tỷ lệ chi cho 2 lĩnh vực này.

Liên quan đến việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến đồng ý với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của TP.HCM theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội.

Việc này nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với chủ trương cho phép UBND thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng.

Tuy nhiên, ủy ban đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về mức tạm ứng, cơ chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khoản vốn đầu tư này; bảo đảm an toàn Quỹ dự trữ tài chính và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 1023/NQ/UBTVQH13 ngày 28.8.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước. Hiện nay, Nghị quyết cũng đang trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2020. Theo đó sẽ mở rộng phạm vi đầu tư của ngân sách nhà nước đối với các chợ không có khả năng thu hồi vốn và không thể xã hội hóa ở các địa phương. Vì vậy, đề nghị không đưa vấn đề này vào cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù của Hà Nội.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị, trường hợp cần thiết phải quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù khác với Luật Thủ đô và Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế tài chính sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trường hợp Chính phủ chuẩn bị kịp tài liệu theo quy định thì có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất nâng mức dư nợ vay của Hà Nội lên 90%