Hoạt động cho vay tăng cao trước Tết Nguyên đán đã giúp lợi nhuận một số ngân hàng giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, không ít nhà băng sụt giảm lợi nhuận, nợ xấu tăng cao trong quý 1/2020 do bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hai mảng đối lập
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Vietcombank công bố, lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2020 của ngân hàng này sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến ngày 31.3 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỉ đồng, tăng 2.886 tỉ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.
Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý 1 của nhà băng này cũng sụt giảm 7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 988 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu tính đến ngày 31.3 ở mức 6.045 tỉ đồng, tăng hơn 313 tỉ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Không nằm ngoài xu hướng chung, ở Kienlongbank, do thu nhập phụ thuộc lớn vào tín dụng nên khi tín dụng quý 1/2020 chỉ tăng 1%, cộng với nợ xấu tăng mạnh khiến lợi nhuận sụt ngân hàng này giảm còn 57 tỉ đồng (giảm 23%).
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận sự thụt lùi về lợi nhuận, có thể kể đến như BacABank (giảm 27%), NamABank (giảm 53%), Saigonbank (giảm 31%)…
Đáng chú ý, bên cạnh những ngân hàng làm ăn không có lãi, trong quý 1/2020, nhiều ngân hàng như VPBank, VIB, TPBank… vẫn tăng trưởng tốt. Tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2020 của VPBank dự kiến đạt 2.911 tỉ đồng, tăng 63,3% nhờ tín dụng tăng tới 6%. Tương tự, lợi nhuận của TPBank, VIB cũng đạt 1.000 tỉ đồng, tăng 17 - 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh doanh quý 2 sẽ không mấy khả quan
Theo Trung tâm Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), trong quý 1/2020, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank… sẽ phải tăng trích lập dự phòng, tăng bộ đệm vốn để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể tăng mạnh trong các quý tới. Mức tăng trích lập dự phòng trong quý 1 có thể là 30 - 35%.
Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3 nên ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý đầu năm là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong quý 2/2020 sẽ không mấy khả quan khi thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Một số chuyên gia cũng nhận định mặc dù lợi nhuận ngân hàng khá khả quan trong quý 1/2020, song tình hình kinh doanh nhiều ngân hàng sẽ bị tác động trễ bởi dịch bệnh. Cụ thể, trong quý 1/2020, hầu hết các ngân hàng chưa tiến hành cơ cấu nợ, giảm lãi vay, tín dụng chưa bị ảnh hưởng. Thế nhưng, từ quý 2/2020, biên lợi nhuận của ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là thời gian qua ngân hàng giảm mạnh lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi lãi suất huy động giảm chậm, khiến biên lợi nhuận giảm.
Tương tự, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sau giai đoạn tái cấu trúc, hầu hết các ngân hàng đã giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tiềm ẩn nợ xấu có thể tăng nhẹ và gánh nặng đến từ chi phí trích lập dự phòng trong 2020 khi các công ty đang phải đối mặt với những khó khăn mà COVID-19 mang lại.
Không những vậy, tác dụng kép của tính chu kỳ và ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu tín dụng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước.
“Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng năm 2020 vẫn còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ chịu tác động nhẹ và hy vọng chu kỳ tín dụng năm 2020 sẽ vẫn cho phép các ngân hàng cải thiện lợi nhuận và đạt được mức ổn định. Trong năm 2020, các ngân hàng có thể sẽ tập trung vào việc tái cấp vốn để đáp ứng các yêu cầu của Basel 2, biến tăng trưởng tín dụng trở thành động lực thu nhập chính”, KBSV nhìn nhận.
Phan Diệu