Các nhà hoạch định chính sách 8 nước châu Âu đã họp để tìm cách ngăn chặn sự tranh chấp nguồn nước trên dãy núi Aps vốn đang ngày càng sụt giảm.

Đề phòng ‘chiến tranh giành nguồn nước’ núi Alps do biến đổi khí hậu

Bảo Vĩnh | 31/10/2022, 07:19

Các nhà hoạch định chính sách 8 nước châu Âu đã họp để tìm cách ngăn chặn sự tranh chấp nguồn nước trên dãy núi Aps vốn đang ngày càng sụt giảm.

song-bang-sardonia-ap-1.jpeg
Sông băng tan chảy làm lộ ra các hang động trên núi Alps- Ảnh: AP

Nguồn nước trong vắt trên dãy Alps có thể trở thành mục đích của một cuộc tranh giành, vào lúc những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và sông băng tan chảy đang ngày càng rõ ràng hơn.

Chẳng hạn Ý muốn có nguồn nước này để tưới tiêu vào mùa xuân và mùa hè. Chính quyền Thụy Sĩ cũng muốn giữ các dòng chảy để giúp các nhà máy thủy điện hoạt động.

Đó là lý do lần đầu tiên từ 4 năm qua có cuộc họp tại của đại diện 8 nước tham gia Công ước Alpine (Alpine Convention) là Áo, Đức, Pháp, Ý, Liechtenstein, Monaco, Slovenia và Thụy Sĩ. Công ước này được lập năm 1991, với mục tiêu là bảo vệ môi trường tự nhiên của dãy Alps đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững như du lịch, điều phối nguồn nước cùng các tài nguyên hạn chế của dãy núi nổi tiếng nhất của châu Âu.

Nhóm 8 quốc gia kể trên lẽ ra chú trọng vào Liên minh Simplon, theo tên một ngọn đèo trên dãy Alps và nằm giữa Ý với Thụy Sĩ. Liên minh này nhằm mục tiêu xây dựng hoạt động giao thông trên dãy Alps trở nên thân thiện với môi trường hơn, như ưu tiên sử dụng xe điệncùng các phương tiện vận chuyển công cộng hơn là xe riêng, ưu tiên đường sắt thay vì đường bộ,

Thế nhưng vì tình trạng trái đất nóng dần lên khiến các sông băng trên dãy Alps tan chảy quá nhanh trong năm 2022, vấn đề nước đóng băng hoặc mưa rào hoặc tuyết phủ trên các ngọn núi đang ngày càng trở nên quan trọng.

Những người ủng hộ môi trường nói rằng việc quản lý nguồn nước trên núi Alps không được giải quyết đủ cấp bách, và họ muốn các nước ven dãy Alps làm nhiều hơn nữa để đảm bảo tương lai của nguồn tài nguyên vốn dồi dào từ hàng trăm năm qua.

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang phải vật lộn với thảm họa về nước, châu Âu được tưới tiêu tốt và tương đối giàu có cho đến nay lại không bị ảnh hưởng. Hạn hán và cháy rừng làm dấy lên những lo lắng theo mùa, nhưng thường có đủ nước cho nông nghiệp, thủy điện, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và tiêu dùng của con người.

Theo Maria Lezzi, người đứng đầu văn phòng phát triển lãnh thổ của Thụy Sĩ, trẻ em Thụy Sĩ đã từng được dạy rằng đất nước của họ là nơi có “tháp nước” của lục địa này.

Tuy nhiên, các yếu tố như tình trạng trái đất nóng lên, các hậu quả từ chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine về nguồn cung cấp năng lượng và nhu cầu kinh tế đã khiến vấn đề nguồn nước trở nên cấp bách hơn.

Tháng trước, chính quyền Thụy Sĩ đã cho phép tăng lượng nước có sẵn trong 7 tháng để phát điện cho 45 trong số 1.500 nhà máy thủy điện của Thụy Sĩ, với hy vọng sẽ cung cấp thêm điện năng lên tới 150 gigawatt. Nhưng họ xác nhận động thái này có thể tạm thời ảnh hưởng đến sự di cư của cá: “Điều này có thể khiến việc bổ sung quần thể cá trở nên khó khăn hơn vào năm 2023”.

Trong khi đó, lượng mưa mùa hè thưa thớt và đợt nắng nóng gay gắt ở miền bắc nước Ý - làm tan chảy các cánh đồng tuyết và sông băng trong khu vực - làm khô cạn sông Po, gây nguy hiểm cho nguồn nước uống và đe dọa hệ thống tưới tiêu ở nơi được gọi là thung lũng lương thực Ý.

“Báo cáo lần thứ 9 về băng của dãy Alps” - do chủ nhà Thụy Sĩ soạn thảo - lưu ý nguồn cung cấp nước là một “vấn đề đặc biệt cấp bách” vì dãy Alps là một hồ chứa nước khổng lồ, đem lại lợi ích cho khoảng 170 triệu người sống dọc theo một số con sông nổi tiếng nhất của châu Âu, gồm các sông Danube, Po, Rhine và Rhone.

AP có được một bản dự thảo báo cáo, trong đó ghi nhận sự cần thiết phải dùng “nguồn nước Alpine sẵn có " cho công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện và các mục đích sử dụng khác. Báo cáo viết thêm: "Biến đổi khí hậu khiến các chức năng này chịu áp lực, khi các sông băng đang rút đi và lượng mưa liên tục thay đổi. Lượng nước giảm và độ tin cậy cung cấp nước hạn chế sẽ là vấn đề lớn trong những thập kỷ tới”.

Kaspar Schuler, giám đốc CIPRA International - một ủy ban chuyên bảo vệ dãy Alps có trụ sở tại Công quốc Liechtenstein - cho biết các chính phủ các nước thành viên Công ước Alpine đã làm tốt việc đưa nước vào chương trình nghị sự, nhưng lại không đưa ra các cách giải quyết vấn đề như thành lập các nhóm làm việc, mở rộng nghiên cứu, hoặc đưa ra các cách để nước có thể được chia sẻ tốt hơn trong tương lai.

Ông nói: “Việc mô tả những khó khăn đã được người Thụy Sĩ làm rất tốt, nhưng họ vẫn không có can đảm để thực sự giải quyết con voi trong phòng”.

Trong khi các khu nghỉ dưỡng và các ngôi làng trên dãy Alps sống dựa vào nước, những người sử dụng chính ở thượng nguồn lại là các nhà máy thủy điện của Thụy Sĩ và những nhà máy này muốn giữ nước để khi cần thiết nhất sẽ cung cấp năng lượng cho các tuabin cung cấp khoảng 60% điện năng của đất nước.

Nếu vậy những người tiêu thụ nước nhiều nhất là ở hạ nguồn - các khu vực công nghiệp như Grenoble và Annecy ở Pháp, thủ đô Vienna của Áo và các khu vực xung quanh Bolzano ở Nam Tyrol của Ý có khả năng bị ảnh hưởng.

Báo cáo của Thụy Sĩ cho biết các thị trấn phía nam dãy Alps, đặc biệt là ở Pháp và Ý với khí hậu khô hạn hơn, có nhiều khả năng bị thiếu nước hơn các thị trấn phía bắc: “Điều này đặc biệt đúng đối với các thung lũng khô như Thung lũng Aosta ở tây bắc Ý, vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng về nước”.

Schuler của CIPRA gợi ý rằng nhiều người đã trở nên quá tự mãn về vùng nước giàu có của dãy Alps - và những ngày đó có thể sẽ sớm kết thúc.

Ông nói: “Cho đến nay, tất cả các quốc gia không thuộc dãy núi Alps - những vùng đất thấp - đều vui mừng vì dãy núi Alps đã cung cấp rất nhiều thứ: cảnh quan cho các hoạt động giải trí và thể thao, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và nguồn nước mà mọi người cần. Cho đến nay, mọi người đều hạnh phúc nhưng trong tương lai, đây sẽ là một trận chiến... về những nguồn tài nguyên này, bởi vì việc thiếu nước thực sự có thể gây hại tổn cho rất nhiều người”.

Bộ trưởng Môi trường Uros Brezan của Slovenia, người sẽ đảm nhận chức vụ chủ tịch Công ước Alpine, cho biết chính quyền khu vực đã không xem nhẹ vấn đề này.

“Tôi nghĩ rằng các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và các thành viên của Công ước Alpine đều nhận thức rõ rằng vấn đề khan hiếm nước không thể chỉ được giải quyết trong biên giới quốc gia mà phải được giải quyết trên phạm vi quốc tế”, ông nói.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Châu Á khó đảm bảo mục tiêu chống biến đổi khí hậu do chiến tranh Nga - Ukraine
Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine buộc đa số quốc gia châu Á phải chú ý an ninh năng lượng và điều này khiến các nước khó đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
40 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề phòng ‘chiến tranh giành nguồn nước’ núi Alps do biến đổi khí hậu