Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra còn nhiều hạn chế trong việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa (SGK).

Đề nghị thanh, kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục

Dạ Thảo | 06/10/2023, 18:10

Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra còn nhiều hạn chế trong việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa (SGK).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi tới các vị đại biểu quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Báo cáo giám sát cho hay, từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản, 194 triệu bản SGK mới được NXB Giáo dục Việt Nam và Công ty CP đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.

“Đến nay, SGK triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung SGK cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, đoàn giám sát ghi trong báo cáo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được được thì việc đổi mới SGK cũng tồn tại hạn chế ở nhiều khâu. Cụ thể ở công tác chỉ đạo triển khai thực hiện biên soạn, thẩm định SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.

Việc thành viên ban phát triển chương trình tổng thể và các chương trình môn học của Bộ GD-ĐT đồng thời tham gia làm tổng chủ biên, kiêm chủ biên một số bộ SGK của các nhà xuất bản tạo sự cạnh tranh không công bằng. Đoàn giám sát cũng cho biết có tình trạng bộ SGK lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) được biên soạn bản thảo trước khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn học được ban hành.

sgk-10.jpg
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị thanh, kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục

Tổng quan, báo cáo giám sát nhận xét, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 bằng ngân sách nhà nước, mà hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.

“Trong thực tiễn, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” cùng với việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK”, báo cáo giám sát ghi rõ. Hơn nữa đoàn giám sát cũng cho biết có nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK thực hiện chung trên địa bàn cả tỉnh.

Việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK cũng chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực. Những sai sót về nội dung đã được phát hiện ở 18 cuốn SGK, nhất là đối với SGK Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Khâu cung ứng, phát hành SGK cũng có bất cập, khi phải qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước năm học mới. Giá SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2006; gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong phần kiến nghị, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục. Việc xã hội hóa biên soạn SGK, quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn SGK, sử dụng chi phí phát hành SGK trên phạm vi toàn quốc cũng được đoàn giám sát yêu cầu thanh kiểm tra lại.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giao Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK của nhà nước để tránh hoang mang, lúng túng cho các tỉnh thành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị thanh, kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục