Phía nhà đầu tư thừa nhận họ quên vấn đề nhạy cảm, bởi chỉ nghĩ ở góc độ kinh doanh...

“Đề nghị dựng tượng Quan Công, chúng tôi chỉ nghĩ ở góc độ kinh doanh“

Một Thế Giới | 23/11/2015, 12:13

Phía nhà đầu tư thừa nhận họ quên vấn đề nhạy cảm, bởi chỉ nghĩ ở góc độ kinh doanh...

Trao đổi với PV, ông Lưu Quang Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại sản xuất bao bì Thành Lợi - doanh nghiệp đề xuất xây tượng Quan Công ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho rằng phía công ty chỉ nghĩ đến góc độ kinh doanh khi đề xuất xây tượng. Bởi theo ông, Vĩnh Châu là nơi tập trung rất nhiều người Hoa sinh sống lâu năm, và ý tưởng xây dựng tượng Quan Công trước tiên nhằm thu hút đối tượng này đến tham quan, ăn uống… Và như nhiều người biết, Quan Công nhân vật nổi tiếng Trung Quốc thời cổ đại.

“UBND tỉnh vẫn chưa quyết. Và đây chỉ mới là ý tưởng, chứ cũng chưa là ý định chính xác, mà chúng tôi đang cân nhắc lại khi dư luận phản ứng. Khi nào có quyết định chính thức, chúng tôi sẽ công bố”, ông Phú cho biết. 
Được biết, công ty này mới được thành lập vào tháng 10.2012, chuyên sản xuất bao bì. Vậy tại sao công ty lại chuyển hướng đột ngột sang lĩnh vực du lịch, với dự án đề xuất có nguồn vốn cũng không nhỏ? Về điều này, ông Phú khẳng định: “Chỉ là từ nguồn vốn huy động ở các thành viên trong công ty”.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, Công ty CP Thương mại sản xuất bao bì Thành Lợi đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng bàn về dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh - biển Vĩnh Châu. Và trong dự án có đề cập đến hạng mục xây dựng tượng Quan Công với chiều cao dự kiến là 36m, bằng vật liệu bê tông cốt thép. Đây chỉ là 1 hạng mục nằm trong dự án có quy mô gần 18ha, dự kiến tọa lạc tại đường Đê, thuộc khóm 6 và khóm Hải Ngư, phường 1, thị xã Vĩnh Châu, với tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư khoảng 6 tỉ đồng, còn lại là vốn góp từ các thành viên công ty, vốn đối ứng của đối tác…

Sau đó, Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng cũng đã có ý kiến về công trình trên, cho rằng nên xây dựng thờ Quốc tổ như Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng hay những vị anh hùng của dân tộc như Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo... thì phù hợp với giá trị lịch sử, văn hóa đạo đức xã hội Việt Nam hơn. Chính ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng bác bỏ ý tưởng xây dựng tượng Quan Công và khuyên nhà đầu tư nên chọn tượng khác phù hợp với người Việt Nam hơn.
Điều khiến dư luận phản đối ngay sau khi có thông tin về dự án này, bởi vì Quan Công lâu nay được xem là vị anh hùng của… Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Quan Công được thờ phụng, xây tượng ở nhiều nơi, tôn vinh bằng nhiều danh hiệu. 
Tại Việt Nam, việc người dân thờ cúng Quan Công cũng xuất hiện từ khá lâu đời, với quan niệm dùng cái uy dũng của ông để đuổi trừ ma quỷ. Ngoài việc thờ cúng ở một số chùa, miếu, người dân còn thờ cúng Quan Công trong nhà, với quan niệm tâm linh là giúp yên ổn, không bị người cõi âm quấy phá nhà cửa… Nhưng việc dựng tượng Quan Công hoành tráng tại nơi công cộng như những nhân vật lịch sử khác của đất nước thì chưa bao giờ và không phù hợp.
Hồ Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đề nghị dựng tượng Quan Công, chúng tôi chỉ nghĩ ở góc độ kinh doanh“