Luật sư bào chữa mong viện kiểm sát, hội đồng xét xử áp dụng cho bị cáo Trần Đình Thành thêm tình tiết “người phạm tội tự thú”.

Đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho cựu Bí thư Đồng Nai

Nhã Thanh | 26/12/2022, 09:20

Luật sư bào chữa mong viện kiểm sát, hội đồng xét xử áp dụng cho bị cáo Trần Đình Thành thêm tình tiết “người phạm tội tự thú”.

Trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai) từ 10 - 11 năm về tội “nhận hối lộ”.

Theo VKS, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Trần Đình Thành đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ đồng trực tiếp từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động đến Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nhàn, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 148 tỉ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi đề nghị đánh giá lại nguồn chứng cứ chứng minh việc ông Thành đã nhận tiền từ Nhàn (6 lần), từ đó đề nghị VKS, HĐXX vận dụng thêm tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.

ls-bao-chua-cho-bi-cao-thanh.jpg
Luật sư nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

VKS cho rằng nguồn chứng cứ chứng minh 6 lần nhận tiền là từ lời khai của bị cáo, lời khai của các nhân viên AIC và vợ của bị cáo Thành phù hợp với dữ liệu đã được thu thập. Còn theo luật sư, lời khai của các nhân viên AIC không chứng minh được bị cáo nhận tiền hối lộ từ AIC bởi họ khai được chỉ đạo chi ngoại giao, không biết bà Nhàn, ông Hà sử dụng vào mục đích gì.

Theo phân tích của luật sư Thi, “6 lần nhận tiền” là lời khai báo nhận tội của ông Thành khi làm việc với cơ quan điều tra; tại phiên tòa, ông Thành vẫn giữ nguyên khai báo này. Như vậy, ông đã có nhận thức về sai phạm của mình, biết có hậu quả và đã khai báo với cơ quan điều tra. Lời khai này là nguồn chứng cứ duy nhất buộc tội ông Thành.

Từ đó, luật sư cho rằng thân chủ của mình xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, mong VKS, HĐXX áp dụng cho bị cáo Thành thêm tình tiết “người phạm tội tự thú”.

Trước đó, theo quan điểm của VSK, bị cáo Thành được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, gồm “người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả”, “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.

quang-canh-5-.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: TTXVN

Đề nghị tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo vắng mặt

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC, hiện bị quy kết bỏ trốn) cho biết chưa có tài liệu nào chứng minh Trần Mạnh Hà có thỏa thuận hay đặt ra yêu cầu đưa tiền để Công ty AIC được tạo điều kiện trúng thầu. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện chứng cứ vật chất đưa tiền mà chỉ có lời khai của các bị cáo về việc nhận tiền, nhưng không có người làm chứng. Luật sư đặt ra câu hỏi “Nếu chỉ sử dụng lời khai của các bị cáo thì có thỏa mãn hay không?”.

Luật sư nói rõ: “Có những lời khai mâu thuẫn, phải được đối chất làm rõ nhưng thân chủ của tôi không có mặt để đối chất. Vậy tại sao lại dùng một lời khai để quy kết?”. Ngoài ra, vị luật sư cũng cho biết không có chuyện Hà bàn bạc với Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu về việc tạo điều kiện cho AIC trúng thầu vì Trần Mạnh Hà không phụ trách khu vực miền Nam.

Liên quan đến việc xét xử vắng mặt, theo luật sư, xét xử không có mặt bị cáo thì phải đình chỉ xét xử để xác định lại; trường hợp không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu thì phải ra quyết định truy nã, khi chưa biết bị can ở đâu thì đều phải đình chỉ xét xử. Không có họ ở đây thì không đủ cơ sở thẩm tra, đánh giá. Từ đó, luật sư đề nghị xem xét quyết định tách hồ sơ vụ án để tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo vắng mặt.

ls-bao-chua-cho-bi-cao-tran-manh-ha.jpg
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Mạnh Hà - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Toàn bộ việc bào chữa chỉ căn cứ vào hồ sơ và quá trình xét hỏi

Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai 43,8 tỉ đồng để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật.

Việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. CQĐT ra quyết định truy nã, phát thư kêu gọi bà Nhàn ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định.

Cáo trạng cho rằng trường hợp bà Nhàn không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự chữa và bị truy tố, xét xử. Tại tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nhàn 30 năm tù đối với 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Trong phần tranh luật, luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng bà Nhàn đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nhàn.

Vì vậy, luật sư Nghị khẳng định cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của bị cáo Nhàn trong quá trình truy tố hay xét xử; Chủ tịch AIC cũng không thể trình bày ý kiến của bản thân trước những cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Từ đó, luật sư Nghị cho biết ngay cả người bào chữa cũng không nắm được quan điểm của bà Nhàn, liệu bà này có nhận tội hay không. Toàn bộ việc bào chữa chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi.

Theo luật sư Nghị, Công ty AIC hoạt động đa ngành nghề, vì vậy, bà Nhàn sẽ có rất nhiều việc phải quán xuyến, xử lý. Đối với những đầu việc, nhiệm vụ liên quan đến mua sắm thiết bị cho dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã ủy quyền cho Phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga thực hiện. Theo luật sư, việc ủy quyền được thể hiện trong giấy ủy quyền, đảm bảo tính pháp lý.

Vì vậy, luật sư Nghị đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá vai trò, vị trí của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án…

Bài liên quan
VKS: Vụ án AIC là một minh họa điển hình của sự cấu kết, trục lợi
VKS nhận định vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền nhằm trục lợi, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho cựu Bí thư Đồng Nai