Tôi tin rằng khi chúng ta trong độ tuổi đôi mươi, không có điều gì có tác động mạnh mẽ và quan trọng hơn những câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho mình.
Câu hỏi hay, giải quyết một nửa vấn đề
Cậu bạn Brent từng kể cho tôi nghe cuộc trò chuyện của cậu ấy với một quý ông cực kỳ thông minh, một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bot tự động. Brent đã hỏi người đàn ông này rằng với sự phát triển của tự động hóa và các công nghệ tinh vi hơn thì ông cho rằng các cô con gái của ông cần phải giỏi điều gì để có thể thành công khi trưởng thành. Người đàn ông trả lời không chút chần chừ: “Khả năng đặt những câu hỏi thật sự hay”.
Brent thường nói rằng đặt được câu hỏi hay tức là đã giải quyết được một nửa vấn đề. Cậu ấy nói đúng. Khi chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, không gì quan trọng hơn những câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho vấn đề đó.
Theo định nghĩa dễ hiểu của Tiến sĩ Meg Jay, độ tuổi hai mươi là “mười năm định hình” của cuộc đời mỗi người. Đó là khi chúng ta thiết lập hướng đi cho tương lai của mình. Ấy vậy mà trong những năm tháng đó của cuộc đời, tôi luôn cảm thấy con tàu đời mình cứ chạy lòng vòng và va vào tất thảy các tảng băng trên biển.
Tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều hiểu rằng cuộc sống “trưởng thành” không hề dễ dàng như những gì được thể hiện trong các tập sách quảng cáo. Sau khi tốt nghiệp đại học và suốt mười năm sau đó, chúng ta có cảm giác như thể mình đang trải qua cuộc khủng hoảng một-phần-tư-cuộc-đời ngay khi vừa trải qua một cuộc khủng hoảng một-phần-tư-cuộc-đời trước đó. Và chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cuộc khủng hoảng đó thật sự là gì, chỉ biết rằng chúng ta không thể tránh được nó.
Tuy vậy, có một chân lý giúp chúng ta thành công vượt qua chặng đường này. Một sự thật đơn giản mà tôi phải mất cả thập niên để hiểu và thấm thía: Khi chúng ta ở độ tuổi đôi mươi, điều quan trọng không phải là cố lèo lái con tàu đời mình theo một kế hoạch nào đó, mà là chúng ta phải thích ứng, thay đổi và phát triển khi mọi thứ không diễn ra đúng như dự tính.
Quyển sách tuổi hai mươi của bạn là những trang giấy đầy những vết tẩy xóa và chỉnh sửa. Nó vốn dĩ là như vậy. Thất bại chỉ xuất hiện khi bạn dừng bút, khi bạn quyết định không viết tiếp trang sau mà để cho nó trống trơn trong khi trọng tâm của câu chuyện đời bạn sắp sửa được hé lộ.
Thành công chính là tìm được mục tiêu của đời mình
Hãy đặt những câu hỏi hay. Đó là câu trả lời duy nhất tôi tìm được. Đó là cách duy nhất để vạch ra chiến lược lèo lái con tàu của mình đi đúng hướng trước khi bạn dong buồm ra khơi. Sau đó, các câu hỏi hay sẽ tiếp tục dẫn đường cho bạn trong suốt hành trình, khi bạn liên tục chỉnh hướng, bẻ lái và nhận định lại tình hình trong lúc con tàu ngày càng tiến sâu vào vùng biển rộng mở.
Nếu không bắt đầu bằng những câu hỏi hay và liên tục tự hỏi mình những câu hỏi đó mỗi khi thôi thúc thích ứng và thay đổi trổi dậy, làm sao bạn có thể đưa ra những câu trả lời đáng giá? Nếu hành trình của bạn bắt đầu với những nền tảng sai lầm và những câu trả lời không hoàn chỉnh thì cuối cùng bạn cũng sẽ dong buồm lệch hướng và mắc kẹt trên một đảo hoang nào đó như nhân vật của Tom Hanks trong bộ phim Cast Away (Một mình trên hoang đảo), chỉ có thể la hét với quả bóng chuyền - người bạn duy nhất của bạn khi đó. Điều này không mấy tốt đẹp.
Và tôi cũng muốn nói rằng quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nó đòi hỏi sự can đảm, tính trung thực và tinh thần vượt khó. Một số câu hỏi được đặt ra và không có câu trả lời trong suốt nhiều năm. Điều đó không có nghĩa là có gì sai, mà chỉ là chưa đến thời điểm bạn tìm được câu trả lời đó mà thôi. Một số câu hỏi bị bỏ dở sẽ khiến bạn chỉ muốn mặc quần đùi gặm chân gà trong công ty suốt một tháng trời và phó mặc con tàu đời mình cho định mệnh. Đó sẽ là quãng thời gian mất phương hướng trong đời.
Mặt khác, nếu không tự đặt ra những câu hỏi này, chúng ta có thể rơi vào cái bẫy của một cuộc sống tự mãn, nơi chúng ta trở nên bằng lòng với cảm giác khổ sở, vì chúng ta không muốn đối mặt với bất kỳ câu hỏi “khó” nào.
Khi chúng ta bắt đầu tin vào tiếng nói của người chỉ trích hay kẻ hoài nghi, những người luôn cố gắng thuyết phục chúng ta rằng không nên quá kỳ vọng vào một công việc hay cuộc sống có ý nghĩa, thì đó chính là điều đáng sợ nhất. Đó chính là con đường khiến chúng ta chết dần chết mòn. Đừng lo lắng khi bạn vẫn không thể buông bỏ kỳ vọng về một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi nghĩ chúng ta nên sống với mục tiêu là tìm được một cuộc sống có mục đích. Bạn nghĩ sao?
Nếu không tự đặt ra những câu hỏi này, chúng ta có thể rơi vào cái bẫy của một cuộc sống tự mãn, nơi chúng ta trở nên bằng lòng với cảm giác khổ sở, vì chúng ta không muốn đối mặt với bất kỳ câu hỏi “khó” nào.