Cha Đắc Lộ nói rằng nhờ một cậu bé 13 tuổi (sau này được đặt tên Thánh là Rafael Rhodes) mà ông mới hiểu được hệ thống thanh điệu, lên xuống giọng của người Việt và đó là cơ sở quan trọng để đặt ra các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng.
Kỳ trước: Chữ quốc ngữ buổi đầu: Người Nhật chê, người Việt nhận
Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập đến bước sơ khởi trong tiến trình phát triển chữ quốc ngữ. Ở giai đoạn 1620-1626, các giáo sĩ mà đi đầu là cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha đã bắt đầu thực hiện ghi âm tiếng Việt bằng ký tự La Tinh. Việc ghi của thời này khá đơn giản khi các từ ghép vẫn được viết nối nhau và không hề có vần.
Phải đến sau 1626 thì bắt đầu có việc ghi cách ngữ và gắng chép có dấu để phân biệt độ lên hạ giọng trong phát âm của người Việt. Việc học cách để ghi cách ngữ chỉ cần có thời gian và chỉnh thói quen là làm được. Nhưng riêng việc phân biệt dấu qua cách lên xuống giọng của người Việt là cực hình đối với người phương Tây, đó còn chưa kể đến việc một tiếng còn có nhiều nghĩa khác nhau.
Để người ngoại quốc thấy rõ hơn sự nguy hiểm trong khi phát thanh sai tiếng Việt, cha Đắc Lộ thuật lại hai câu chuyện sau đây: Một hôm Linh mục bạn với Đắc Lộ muốn bảo người giúp việc đi chợ mua cá. Khi người giúp việc ở chợ về, bảo cho ông hay là đã mua như ý Linh mục muốn. Ông liền xuống nhà bếp coi xem loại cá nào, thì ông ngỡ ngàng vì người đi chợ lại mua một thúng đầy cà. Linh mục biết ngay là vì đã đọc trại tiếng cá thành cà, nên ông xin lỗi người giúp việc. Một Linh mục khác bảo người nhà đi chém tre. Đoàn trẻ em trong nhà Linh mục nghe thế sợ quá, bỏ chạy tán loạn. Thì ra ông phát thanh lầm là chém trẻ, nên làm cho đàn trẻ em khiếp sợ. Phải giải thích mãi trẻ em mới yên tâm và trở về nhà với Linh mục.
Do vậy, để có thể truyền tải hết tiếng Việt vào chữ viết thì phải có cách chép dấu. Cuốn công trình Tự điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ ra đời năm 1651 đã giải quyết được vấn đề đó. Cha Đắc Lộ nói rằng nhờ một cậu bé 13 tuổi (sau này được đặt tên Thánh là Rafael Rhodes) mà ông mới hiểu được hệ thống thanh điệu, lên xuống giọng của người Việt (cơ sở quan trọng để đặt ra các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng). Cha Đắc Lộ viết: “Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng La Tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng”.
Thực ra, cha Đắc Lộ không thể một mình tự nghiên cứu mà ra cuốn Tự điển Việt-Bồ-La mà cần dựa vào nghiên cứu, đúc kết của nhiều giáo sĩ khác. Thời gian cha Đắc Lộ ở Việt Nam không liên tục mà bị ngắt quãng do chính sách của triều đình 2 đàng khi đó. Trước khi bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, cha Đắc Lộ chỉ có 57 tháng ở với người Việt (ở Đàng Trong từ tháng 12.1624 đến tháng 7.1626 và ở Đàng Ngoài từ tháng 3.1627 đến 5.1630). Sau đó, ông phải ở Áo Môn (tức Macau) trong 10 năm rồi mới quay trở lại Đàng Trong năm 1640 nhưng cũng không ở liên tục mà chia làm 3 lần (lần 1: tháng 2.1640 đến 9.1640, rồi về Áo Môn, lần 2: tháng 12.1640 đến 7.1641, sau đó về Áo Môn, lần 3: tháng 1.1642 đến 7.1643, lại về Áo Môn).
Chính vì sự ngắt quãng đó cộng với công việc khá nhiều nên cha Đắc Lộ khó có thời gian chuyên tâm nghiên cứu việc phiên âm tiếng Việt. Dựa vào các văn bản có lưu dấu chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ viết trong thời gian đi lại giữa Việt Nam và Áo Môn, các nhà nghiên cứu nhận thấy trình viết của cha Đắc Lộ khi ấy khó sánh bằng cha Gaspar do Amaral. Cha Amaral đến Thăng Long cuối năm 1629 và trong bản tường trình gửi về Bồ Đào Nha ngày 31.12.1632, cha Amaral đã viết rất nhiều chữ quốc ngữ cách ngữ và có dấu như Kẻ Chợ (chỉ Thăng Long), yêu nhău (yêu nhau), hụyen (huyện), bà đạu (bà đạo), đàng ngoằy (đàng ngoài), nhũộn (nhuận)... Có thể thấy nhiều từ quốc ngữ được cha Amaral viết khi đó khá xa với từ hiện giờ nhưng so với cách viết của cha Đắc Lộ khi ấy thì tốt hơn rất nhiều. Cùng thời điểm và có thể muộn hơn, bản viết tay của cha Đắc Lộ vẫn ghi Ce Che (Kẻ Chợ), dau nhu (đạo Nho), huyen gna (huyện nha)...
Đến năm 1637, thư của cha Amaral đã có nhiều chữ quốc ngữ khá sát với bây giờ hơn khi ông dùng chính xác nhiều từ như đức, thầy, Nghệ An, đàng ngoài... Trong khi đó, cách viết từ quốc ngữ của cha Đắc Lộ cũng không tiến triển nhiều hơn, rất ít dùng chữ có dấu. Phải đến 1644, cách viết chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ mới có bước tiến rõ rệt khi trở lại Việt Nam. Thời kỳ đó, ông đã viết được cả câu quốc ngữ dài: “giũ nghĩ cũ đ Chúa Jesu cho đen het hoy, cho đen blon đoy” (giữ nghĩa cùng đức Chúa Jêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời).
Có thể thấy trong thời gian trước 1645 thì cha Amaral là người xuất sắc trong việc dùng chữ quốc ngữ và ông cũng là người soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La (Diccionário anamita-português-latim). Nói đến lịch sử chữ quốc ngữ trong giai đoạn này, không thể bỏ qua Linh mục Antonio Barbosa (1594-1647) người Bồ Đào Nha. Cuối tháng 4.1636, Barbosa đến Đàng Ngoài, nhưng rồi ông trở về Áo Môn vào tháng 5.1642, vì lý do sức khỏe. Cha Barbosa đã soạn thảo cuốn tự điển Bồ - Việt (Diccionario português-anamìta).
Chính 2 cuốn tự điển Việt - Bồ - La của cha Amaral và cuốn tự điển Bồ - Việt của cha Barbosa đã đặt nền móng để cha Đắc Lộ soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La ra đời 1651. Đó là bước ngoặt rất quan trọng để một thời gian ngắn sau đó, người Việt Nam bắt đầu dùng chữ La Tinh để ghi chép.
(còn nữa)
Anh Tú