Ngày 26.7, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong các vấn đề liên quan đến Formosa là cần thiết và phải xem xét để biết trách nhiệm đến đâu. Công tác xem xét trách nhiệm tiến hành càng nhanh thì càng tốt, càng chậm trễ thì càng gây ra nhiều bất lợi.
Xem xét trách nhiệm ông Võ Kim Cự là cần thiết
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, dù người dân, cử tri, cán bộ có ý kiến xem xét nhưng hiện nay chưa có một quy trình nào được triển khai để xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đối với những vấn đề liên quan đến Formosa. Để tiến hành xác định trách nhiệm thì cần phải có một quy trình xem xét.
“Ví dụ trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, muốn kết luận trách nhiệm cũng phải có quy trình xem xét để xác định mức độ sai phạm, phải xử lý thế nào? có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Võ Kim Cự hay không” – ông Nghĩa nói.
Do đó, theo ông Nghĩa, vì chưa triển khai quá trình xem xét trách nhiệm thì hiện nay cũng chưa nói được gì về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự nên ông Cự vẫn có quyền hoạt động bình thường trên cương vị hiện có của ông ấy.
Theo cá nhân ông Nghĩa, việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong việc này là cần thiết và phải xem xét để biết trách nhiệm đến đâu. Công tác xem xét trách nhiệm tiến hành càng nhanh thì càng tốt, càng chậm trễ thì càng gây ra nhiều bất lợi.
Ông Nghĩa cũng cho biết, cần phải xem xét trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong quá trình cấp phép, giám sát hoạt động của Formosa. Bởi vì thiệt hại lớn như thế thì không thể không xem xét trách nhiệm được.
“Nếu đặt mình vào vị trí của ông Võ Kim Cự, tôi sẽ xin lỗi” – ông Nghĩa cho hay.
Quyết định vượt quyền là sai!
Về việc cấp phép cho Formosa với thời hạn 70 năm, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải làm rõ điều này. Theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên, trong Luật Đất đai đã quy định rõ, bình thường thì UBND tỉnh được cho thuê đất không quá 70 năm đối với điều 68 luật này. Nếu những yếu tố của Formosa và Hà Tĩnh trình ra đảm bảo các yếu tố quy định trong luật thì họ có thể thuê đến 70 năm.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, vì có sự phân cấp thẩm quyền nên dù thỏa mãn điều kiện được thuê 70 năm nhưng việc ai có quyền ký cho thuê là một vấn đề khác. Liệu Thủ tướng có phân quyền, ủy quyền cho tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định này hay không? Vấn đề bây giờ thì cơ quan chức năng đang tiến hành và chúng ta phải chờ kết quả họ công bố.
Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói rằng, thời hạn 50 năm hay 70 năm là rất khác nhau và thời hạn 70 năm là trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Do đó, ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng phải có hồ sơ đầy đủ và có sự tư vấn đầy đủ của các bộ, ngành, phải có quá trình xem xét rồi mới quyết định. Do đó, nếu tỉnh mà tự động cấp 70 năm thì không thể bào chữa được, cái đó là sai. Còn sau này, nếu Thủ tướng xem xét chấp nhận lên 70 năm thì điều đó không có nghĩa việc cấp trên 50 năm là đúng.Quyết định vượt quyền hạn của mình là sai rồi.
Phê phán một cách bình tĩnh
Thông qua sự cố của Formosa, vấn đề đảm bảo môi trường tự nhiên trong việc đầu tư lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cũng từ sự kiện này mà hàng loạt bê bối về môi trường trong quá trình vận hành các nhà máy, các khu công nghiệp được phanh phui. Tuy nhiên, thừa nhận đây là bài học đắt giá đối với Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, việc phê phán cũng cần một thái độ bình tĩnh.
“Chúng ta đang trong quá trình đi lên, đang phát triển nên có những va vấp, chúng ta phải chấp nhận và sửa chữa. Không vì những va vấp đó của Formosa mà chúng ta nhìn nhận toàn bộ hoạt động của Formosa hay các doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam đều là xấu. Nguồn lực Nhà nước lấy đâu chừng đó tiền để đầu tư vào Hà Tĩnh?” – ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, các nhà đầu tư nước ngoài đem tiền vào Việt Nam không phải để giúp đỡ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mà họ vào để kiếm lợi nhuận. Việc họ quan tâm là cơ chế, chính sách của mình phù hợp, thuận lợi để họ hoạt động hay không? Còn chúng ta đấu tranh là đấu tranh việc phân chia lợi nhuận tạo ra và trách nhiệm xã hội của họ đối với người dân địa phương thế nào? Đây cũng là lỗi của chúng ta trong quá trình phát triển và đây là một bài học kinh nghiệm.
Nói chi tiết hơn về điều này, ông Kiên cho rằng, nếu chúng ta sống ở thời kì này rồi nhìn quay trở lại và phê phán lịch sử thì cũng dễ thôi, nhưng nếu đặt mình vào bối cảnh lúc đó thì có những suy nghĩ khác. Những năm 60 của thế kỉ trước, biểu tượng của nền công nghiệp hóa là những ốn khói vươn lên trời xanh, vì bên dưới đó là nhà máy, công xưởng.
“Vấn đề đó chúng ta đều không có kinh nghiệm, những vấn đề ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính mãi đến thập kỉ 80, 90 mới phát hiện ra. Chúng ta là nước phát triển sau, có những cái chúng ta học được các nước đi trước nhưng cũng có nhiều cái chúng ta không học được họ để khắc phục” – ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, việc đề cập đến vấn đề môi trường trong thu hút đầu tư là rất đúng. Tuy nhiên, ông Kiên cũng trải lòng rằng “Bây giờ, nói thật lòng là nếu nâng tiêu chuẩn môi trường lên thì bao nhiêu làng nghề của chúng ta đóng cửa? Yêu môi trường nhưng cũng yêu bát cơm chứ? Cái gì cũng cần có thời gian để chuyển biến”.
Trí Lâm