“Không phải có Luật Biểu tình thì người dân mới có quyền này. Chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân, là trái Hiến pháp” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khẳng định tại diễn đàn Quốc hội ngày 26.7.
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng Luật Biểu tìnhban hành nhằm thực hiện Hiến pháp 2013 và các Nghị quyết gần đây đề ra về quyền con người, quyền công dân.Quyền biểu tình hay còn gọi là quyền tụ họp hòa bình đã được quy định từ Hiến pháp 1946. Sau cách mạng Tháng 8 thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kýsắc lệnh công nhận điều này trong Hiến pháp.
Theo ông Nghĩa, tính công khai và tính tập thể là đặc trưng của luật này. Theo Hiến pháp thì nhân dân ta đã có quyền biểu tình và người dân được quyền bảo vệ khi biểu tình. Do đó, cần phải tạo hành lang pháp lý cho hoạt động biểu tình của nhân dân và Nhà nước phải thực hiện điều này.
“Không phải có Luật Biểu tình thì người dân mới có quyền này. Chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân, là trái Hiến pháp. Theo tôi, việc đưa luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật 2013 là đúng đắn. Nhờ vậy mà chúng ta đã nhận định được một số việc nhạy cảm và có phương hướng xử lý đúng đắn” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho rằng, theo nguyên tắc quản lý Nhà nước, những quan hệ xã hội càng phức tạp thì càng cần thiết phải điều chỉnh bằng luật như tự do báo chí, đình công, bãi công, suy đoán vô tội… nên không có lý do gì để không thực hiện quyền tụ họp hòa bình, lập hội.
“Kinh nghiệm quốc tế có rất nhiều về điều này, với trình độ lập pháp của Việt Nam hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có khả năng trả món nợ này đối với nhân dân” – ông Nghĩa khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng khẳng định, việc lợi dụng quyền biểu tình hay lợi dụng người biểu tình để chống phá Nhà nước, xâm hại đến an ninh quốc gia thì cần phải xử lý, cần phải xử lý nghiêm kẻ xấu và bảo vệ người tốt trong việc biểu tình.
Đồng tình với những nhận định của ông Trương Trọng Nghĩa, theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), quyền biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần phải trả lời rõ cho người dân rằng còn định lùi Luật Biểu tình đến bao giờ?
Nói về việc lùi của Luật Biểu tình, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Đinh cho biết, về dự án Luật biểu tình đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Định, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo QH đưa dự án này vào chương trình.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII nhưng trong quá trình cho ý kiến thì có nhiều ý kiến còn khác nhau, hồ sơ chưa đầy đủ. Khi UB Pháp luật thẩm tra thì chưa có hồ sơ nên ko đủ cơ sở để đưa vào chương trình.
Ông Uông Chu Lưu cũng cho biết sẽ đề nghị với Chính phủ đưa vào khi cần thiết.
Trước đó, trong phiên họp báo sau khi tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định rằng:“Luật biểu tình sẽ không lùi vô thời hạn”.
Theo bà Ngân, khi nghiên cứu một đạo luật nào đó thì phải đảm bảo tính căn cơ, phù hợp với tình hình đất nước. Do đó, từ tình hình thực tiễn để vừa đảm bảo quyền công dân, phù hợp với tình hình đất nước, vừa đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích cả đất ước.
“Lợi ích phải hài hoà. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Được biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, tổng số các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là 158 dự án, gồm dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, 136 dự án luật, bộ luật, 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 15 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết của UBTV QH.
Đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 1 nghị quyết. UB Thường vụ Quốc hội đã thông qua 9 pháp lệnh và 3 nghị quyết. Hầu hết các dự án còn lại đã được đưa vào Chương trình năm 2016 và được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2017.
Trí Lâm