Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ hiện nay có tình trạng “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Tuy nhiên, vấn đề là đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác...

ĐB Vũ Trọng Kim: Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu!

Hoài Lam | 01/06/2023, 10:44

Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ hiện nay có tình trạng “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Tuy nhiên, vấn đề là đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác...

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng 1.6, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Đại biểu cho biết, có ba trường hợp không hành động, trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động. Trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động. Trường hợp thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động.

Ông Vân nhấn mạnh, cả ba trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có hành vi này.

van.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ, đây là vấn đề có thật trên thực tế, tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất.

Theo ông Kim, bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu quốc hội chưa thấy đề cập tới”, ông Kim nói.

Do đó, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị từ nay, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức cơ quan, đơn vị để đảm bảo mới công bằng.

Đại biểu nhấn mạnh “phạt ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm”.

kim.jpg
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định)

Ngoài ra, ông Kim cũng đề nghị tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế và tránh tình trạng đối xử với Luật sư không công bằng, không đúng pháp luật. Cần làm rõ có hay không chuyện đuổi luật sư ra ngoài trong vụ án Lê Thị Dung. Đồng thời nêu rõ, cần hoan nghênh các thẩm phán làm đúng, làm đầy đủ và xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhưng cũng cần để luật sư làm hết nghĩa vụ và làm xuất sắc trong môi trường Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật.

Giải trình các vấn đề đại biểu quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắng thừa nhận tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

“Trình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay”, bà Trà nêu.

dh-1.jpg
Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng này trong đó có trình độ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự nêu gương của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát huy nghiêm túc; thể chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội có mặt còn bất cập, chồng chéo hoặc có những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn chậm được sửa đổi, bổ sung; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Nhưng dù bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần phải thống nhất thực trạng này vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, cần nghiêm khắc phê phán triệt tiêu”, bà Trà nói và cho rằng thời quan qua, nhiều bộ, ngành, các địa phương nỗ lực, tích cực và năng động, sáng tạo, nên kết quả trên một số lĩnh vực của bộ, của địa phương rất tốt. Điều này cho thấy, cùng cơ chế, cùng thể chế, nhiều nơi vẫn rất quyết tâm làm tốt, năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Do đó, không thể đổ lỗi tất cả do thể chế và cơ chế.

Về các giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng cho rằng phải thay đổi và xóa bỏ về nhận thức của một số cán bộ, công chức hiện nay có tư tưởng không làm thì không sao. Đây là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển; hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn; khuyến khích bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung; phân loại vụ việc vi phạm sai phạm có tính chất mức độ động cơ nếu không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐB Vũ Trọng Kim: Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu!