Hình ảnh đoàn xe quân sự ở những giờ đầu đảo chính diễn ra cho thấy mối quan hệ giữa quân đội Myanmar với “người bạn” Nga ngày càng sâu sắc.

Đảo chính tiết lộ quan hệ Myanmar - Nga ngày càng sâu sắc

Cẩm Bình | 10/02/2021, 12:43

Hình ảnh đoàn xe quân sự ở những giờ đầu đảo chính diễn ra cho thấy mối quan hệ giữa quân đội Myanmar với “người bạn” Nga ngày càng sâu sắc.

Rất nhiều xe bọc thép xuất hiện trên đường phố Thủ đô Naypyitaw (Myanmar) đều là hàng Nga – số ít trong danh sách nhập khẩu góp phần làm sâu sắc quan hệ song phương, theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

SIPRI xác định tính đến năm 2019, Myanmar một thập kỷ qua chi tổng cộng 807 tỉ USD mua khí tài từ Nga. Nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman suy đoán số xe quân sự dùng cho đảo chính mới giao gần đây (khoảng 2 - 3 năm) nên chưa được ghi nhận.

_myanmar-politics-leader-.jpg
Dưới thời Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, quân đội Myanmar sắm sửa nhiều vũ khí Nga - Ảnh: Reuters

Giới ngoại giao châu Á không lấy làm ngạc nhiên khi cho biết Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing đã nỗ lực vun đắp quan hệ quốc phòng với Nga suốt thời gian dài để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc – đối tác thương mại và nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của nước này.

“Về quân sự, quân đội Myanmar hợp tác toàn diện hơn với Nga. Về ngoại giao cũng có lợi vì Nga nắm quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, một nguồn tin ngoại giao cho hay.

Mối quan hệ sâu sắc thể hiện rõ trong thời gian gần đây. Nga cùng Trung Quốc dùng sức mạnh ngoại giao ngăn Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính.

Vài ngày trước đảo chính, Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergei Shoigu sang thăm Myanmar để hoàn tất thỏa thuận cung cấp tên lửa đất đối không Pantsir-S1, máy bay không người lái trinh sát Orlan-10E cùng thiết bị radar.

“Như người bạn trung thành, Nga luôn hỗ trợ Myanmar những lúc khó khăn đặc biệt trong 4 năm qua”, truyền thông Nga dẫn lời tướng Hlaing phát biểu. Truyền thông Myanmar cũng đăng nhiều tin về quan hệ song phương, chẳng hạn như tướng Hlaing từng 6 lần thăm Nga tính cả lần dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức năm 2020.

Giới phân tích Myanmar chỉ ra rằng việc chuyển hướng sang mua sắm khí tài Nga thuộc đường lối phát triển quân đội mà tướng Hlaing vạch ra khi Myanmar bắt đầu quá trình chuyển giao dân chủ năm 2011. Ông muốn biến quân đội thành lực lượng đạt tiêu chuẩn nên chủ trương hiện đại hóa, nâng cao năng lực, mở rộng hợp tác.

8-myanmar-army.jpg
Xe quân sự trên đường phố thủ đô Naypyitaw - Ảnh: Reuters

Không tin tưởng Trung Quốc

Giai đoạn 2014 - 2019, 50% số khí tài Myanmar mua sắm là hàng Trung Quốc, gồm tàu chiến, chiến đấu cơ, máy bay không người lái vũ trang, xe bọc thép, hệ thống phòng không. Khí tài Nga (chủ yếu là chiến đấu cơ, trực thăng) chỉ chiếm 17%.

Hoạt động mua sắm khí tài Myanmar - Nga bắt nguồn từ hợp tác kỹ thuật và quân sự năm 2001. Đến năm 2016, hai bên đạt thỏa thuận hợp tác quân sự, tạo điều kiện cho hàng nghìn sĩ quan Myanmar được đào tạo về khoa học công nghệ tiên tiến tại Nga (ước tính khoảng 6.000 người tính đến năm 2019). Một bộ phim tài liệu phát sóng trên đài truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga gần đây tiết lộ nhiều quân nhân Myanmar nói thông thạo tiếng Nga.

Một học giả chuyên nghiên cứu quân sự nói: “Không giống Trung Quốc, Nga không đóng vai trò nào trong tiến trình hòa bình giữa các sắc tộc tại Myanmar cũng như chẳng đầu tư rộng khắp vào nước này. Không có lợi ích địa chiến lược biến Nga thành một đối tác hấp dẫn”.

Một nhà ngoại giao châu Á đồng tình với đánh giá trên. Ông còn nhận định tướng Hlaing có thể đang tức giận trước thông tin về một đường dây cung cấp khí tài từ Trung Quốc cho những nhóm sắc tộc vũ trang dọc biên giới.

“Cá nhân tướng Hlaing không tin tưởng Trung Quốc. Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu, Nga thì không”, nhà ngoại giao châu Á cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo chính tiết lộ quan hệ Myanmar - Nga ngày càng sâu sắc