Thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và áp mức thuế suất 20% với đồ uống là đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra để hạn chế tiêu dùng với những mặt hàng có hại này.

Đánh mạnh thuế thuốc lá và đồ uống để giảm nguy cơ bệnh tật

tuyetnhung | 15/08/2017, 19:14

Thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và áp mức thuế suất 20% với đồ uống là đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra để hạn chế tiêu dùng với những mặt hàng có hại này.

Tại buổi họp báo chiều 15.8, Bộ Tài chính đã có báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), và Thuế tài nguyên.

Thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu

Cụ thể, với thuốc lá, Bộ Tài chính dẫn nguồn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Trong đó, Việt Nam đang thuộc 15 nhóm nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam cao theo đánh giá có nhiều nguyên nhân trong đó có giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.

Thống kê lại cho thấy Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%, Indonesia là 51%, Úc 62%, Đức 75% và Pháp là 80%....

Do vậy, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là áp thuế tiêu thụ đặc biệttheo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án 2 là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Bộ Tài chính thấy rằng phương thức kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm là phương thức được nhiều nước phát triển áp dụng như Lào, Malaysia, Trung Quốc... Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương án 1.

"Liệu mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá có thấp không? Tôi cho rằng, đây là vấn đề cần tính toán vì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỉ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỉ bao. Bởi vậy, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách đã có thêm khoảng 4.000 tỉ đồng", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay.

Trà, cà phê, nước tăng lực... lần lượt chịu thuế

Bộ Tài chính cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phìchiếm tới 25% dân số. Với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì đang tăng nhanh từ mức 0,6% vào năm 2000 lên 5,3% vào năm 2015. Tại TP.HCM, tỷ lệ này lên tới 10,8%, cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. Theo số liệu thống kê năm 2020, tỷ lệ béo phì với trẻ em từ 5 - 19 tuổi cũng khá cao. Tỷ lệ chung ở nhóm này là 8,5% (18,2% ở thành phố, 7,9% ở nông thôn).

Trong khi,thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, ung thư...

Do vậy, để hạn chế dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐBvới mặt hàng nước ngọt. Bộ Tài chính dẫn chứng, tại Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc, nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc. Lào hiện cũng thu thuế TTĐBvới nước ngọt khoảng 5 - 10%. Campuchia áp thuế với nước ngọt là 10%.

3 nước trong khu vực ASEAN hiện đang xem xét áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt là là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso/lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah/lít).

Các nước châu Âu thì đánh thuế ở mức cao hơn. Cụ thể, Pháp áp thuế với mức tuyệt đối là 0,72 euro/lít, Phần Lan thu 0,075 euro/lít nước ngọt, Hungary quy định mức thuế 0,04 euro/1 chai hoặc 1 lon nước, Hà Lan thu 0,09 USD/lít…

Do vậy, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.

Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét, lãnh đạo Bộ này bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án đầu tiên là áp thuế ở mức 10%.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh mạnh thuế thuốc lá và đồ uống để giảm nguy cơ bệnh tật