Úc, một quốc gia tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trước giờ vốn có thái độ trung lập đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng ngày 23.7 vừa qua, Úc đã thay đổi thái độ khi đệ một bản thuyết trình cho Ủy ban về giới hạn của thềm lục địa (CLSC).

Đằng sau việc Úc thay đổi thái độ trên Biển Đông, cứng rắn với Trung Quốc

28/07/2020, 14:21

Úc, một quốc gia tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trước giờ vốn có thái độ trung lập đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng ngày 23.7 vừa qua, Úc đã thay đổi thái độ khi đệ một bản thuyết trình cho Ủy ban về giới hạn của thềm lục địa (CLSC).

Hải quân Úc - Ảnh: Internet

Động thái này diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từ bỏ thái độ trung lập trong các tranh chấp trên Biển Đông bằng việc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển nói trên.

Úc đã bỏ thái độ trung lập để liên minh với Mỹ trong việc ủng hộ UNCLOS và phán quyết hồi năm 2016 của Toà án Trọng tài khi xét xử vụ kiện do Philippines đưa ra để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Úc đã đi xa hơn và chính xác hơn Mỹ trong việc bác bỏ cơ sở pháp lý trong các yêu sách trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ví dụ, Úc đã bác bỏ khẳng định của Trung Quốc cho rằng các yêu sách chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cả hai cùng thuộc chủ quyền Việt Nam) đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Úc đã đề cập các phản đối của Việt Nam và Philippines trong bản thuyết trình gửi cho CLSC. Đây là lần đầu tiên Quần đảo Hoàng Sa được đề cập trong một tài liệu gửi cho CLCS kể từ tháng 12 năm 2019.

Úc cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của họ đối với các khẳng định của Trung Quốc rằng họ đã thực thi chủ quyền liên tục và hiệu quả của họ đối với các bãi cạn vì phần nằm dưới thủy triều không được coi là lãnh thổ của một quốc gia.

Để phù hợp với phán quyết của Toà án Trọng tài, Úc đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các chủ quyền lịch sử và tiếp tục bác bỏ các yêu sách đối với chủ quyền và quyền lợi được thiết lập bởi “thực tiễn trong lịch sử”.

Trong bản đệ trình, Úc khởi xướng bác bỏ thẳng bất kỳ khiếu nại nào của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với việc vẽ đường cơ sở, phân định các vùng biển và phân loại các thực thể. Cụ thể, Úc lập luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở nối liền các điểm ngoài cùng của thực thể trên biển hoặc nhóm đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tự gọi là Tứ Sa - Quần đảo Đông Sa, Bãi Đại Nham, Tây Sa (tức Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Hơn nữa, sau Mỹ thì Úc cũng từ chối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc đối với vùng nội địa, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở như vậy.

Đối với các khu vực trên biển, Úc đã bác bỏ các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực được tạo ra bởi các thực thể ngập nước theo thủy triều. Úc đã đi xa hơn Mỹ bằng cách từ chối các yêu sách của Bắc Kinh đối với các khu vực lãnh hải dựa trên việc Trung Quốc thực hiện cải tạo với các thực thể tự nhiên. Úc tuyên bố không chấp nhận rằng các thực thể được cải tạo lại được nhìn nhận như hòn đảo.

Úc đã kết thúc bản đệ trình của mình bằng cách kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tuyên bố rõ yêu sách trên biển của họ và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.

Ngay sau thông báo vào ngày 13.7 của ông Pompeo, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ (quan điểm tự do hàng hải của Úc) bằng hành động của chính chúng tôi, bằng các sáng kiến ​​của riêng chúng tôi và tuyên bố của chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ nói theo cách của Úc, chúng tôi sẽ nói theo cách dựa trên quyền lợi của chúng tôi để từ đó đưa ra những tuyên bố đó và tiếp tục thể hiện thái độ nhất quán”. Điều này được một số nhà quan sát xem là một nỗ lực nhằm thể hiện cách tiếp cận của Úc với Trung Quốc có sự độc lập so với Mỹ.

Vì vậy, Úc thay đổi chính sách với Trung Quốc một cách công khai có những gì cần giải thích? Có khả năng Úc nhanh chóng nhận ra rằng tuyên bố của ông Pompeo là phát pháo khai hỏa mong đợi trong cuộc tấn công chống Trung Quốc của các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump (bao gồm cả Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O Brien, Giám đốc FBI Chris Wray và Tổng chưởng lý William Barr) tiếp theo đó là bài phát biểu hiệu triệu của Ngoại trưởng tại Thư viện Nixon ở California hôm 23.7. Ông Pompeo kêu gọi tất cả các quốc gia tự do trỗi dậy lòng can đảm để đứng lên chống lại sự chuyên chế của Trung Quốc

Cần lưu ý rằng trong bài phát biểu hôm 23.7 ông Pompeo thừa nhận không phải mọi quốc gia tự do sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách. Theo Ngoại trưởng Mỹ, mỗi quốc gia sẽ phải tự ý thức về cách bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế của chính mình và làm thế nào để bảo vệ mình trong cuộc chiến đó.

Các cuộc tham vấn cấp bộ hàng năm của Úc-Hoa Kỳ, hay còn gọi là AUSMIN, đã được lên kế hoạch vào ngày 28.7. Cuộc hội đàm này có sự hiện diện của các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của cả hai bên. Cùng ngày mà ông Pompeo phát biểu, Úc khéo léo thể hiện sự đồng tình của mình trên Biển Đông với Mỹ bằng cách gửi Bản thuyết trình cho CLCS.

Úc cũng nhấn mạnh bản thuyết trình đó phải được đặt trong một bối cảnh rộng hơn. Vào ngày 1.7, Chính phủ Morrision đã công bố Bản cập nhật chiến lược quốc phòng năm 2020 và Kế hoạch cơ cấu lực lượng năm 2020. Các tài liệu này, dù không nêu tên đích danh Trung Quốc nhưng bày tỏ lo ngại rằng, trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc, đang bị phá hoại bởi cản trở từ một số thế lực. Cụ thể, Canberra cảnh báo rằng, việc tiến hành các hoạt động mập mờ cũng đã ngày càng nở rộ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Những hoạt động này liên quan đến các hình thức dùng lực lượng quân sự hay bán quân sự tạo áp lực nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược mà không gây ra xung đột, với việc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông được trích dẫn là ví dụ đầu tiên.

Thủ tướng Morrison nhận xét rằng Úc sẽ “thực hiện hành động của chính chúng ta và các sáng kiến ​​của chính chúng ta” trong thực tế gắn với cam kết rằng Úc sẽ tham gia nhiều hơn ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold đã đứng tên chung trong một bài báo vào đêm trước khi họ tới Washington dự AUSMIN. Họ viết rằng Úc dường như đã mở rộng và tăng cường mối quan hệ bạn bè trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương song hành với đồng minh Mỹ. Indonesia và Việt Nam được coi là những quốc gia ưu tiên trong chiến lược mở rộng quan hệ của Úc.

Anh Tú (theo Diplomat)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc Úc thay đổi thái độ trên Biển Đông, cứng rắn với Trung Quốc