Hàng loạt ngân hàng vừa hé lộ bức tranh lợi nhuận khủng năm 2022, có ngân hàng mang về khoản lãi với con số lên tới tỉ USD.

Đằng sau khoản lợi nhuận tỉ USD của hàng loạt ngân hàng

Tuyết Nhung | 06/02/2023, 13:23

Hàng loạt ngân hàng vừa hé lộ bức tranh lợi nhuận khủng năm 2022, có ngân hàng mang về khoản lãi với con số lên tới tỉ USD.

Đằng sau khoản lợi nhuận chạm mốc tỉ USD

Trong những ngày đầu tháng 1.2023, nhiều ngân hàng đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với những con số đầy lạc quan. Theo đó, không chỉ các ngân hàng lớn mà nhiều ngân hàng nhỏ cũng có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022.

Ngân hàng VietinBank (Mã: CTG) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỉ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

ngan-hang.jpg

Tiếp đến là Ngân hàng Vietcombank (Mã: VCB) cũng thông báo mang về hơn 37.300 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương 1,59 tỉ USD), tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vượt kế hoạch đề ra.

Ngân hàng Techcombank (Mã: TCB) gặt hái được hơn 25.500 tỉ đồng (xấp xỉ 1,09 tỉ USD) lãi ròng trong năm vừa qua, tăng 10% so với năm liền trước, trở thành năm thứ 9 liên tiếp ngân hàng này có lợi nhuận đi lên.

Ngân hàng BIDV (Mã: BID) cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỉ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỉ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.

Với con số lợi nhuận thống kê trên, Vietcombank đang duy trì vị trí dẫn đầu về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022.

Trong khi đó, với nhóm ngân hàng cổ phần, TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận với 7.828 tỉ đồng trước thuế, tăng 30% so với năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt trên 15.600 tỉ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỉ đồng, tăng gần 75%.

Nhiều ngân hàng khác cũng mang về lợi nhuận trước thuế lớn, điển hình như: Ngân hàng ACB (17.100 tỉ đồng), VIB (10.500 tỉ đồng), Sacombank (6.300 tỉ đồng), MSB (5.700 tỉ đồng), LietVietPostBank (5.600 tỉ đồng), OCB (5.000 tỉ đồng)...

Giới chuyên cho rằng, yếu tố tiên quyết giúp nhiều ngân hàng thu về khoản lợi nhuận lớn năm qua là do việc thu nhập lãi thuần tăng vọt, nhưng chi phí dự phòng lại được quản lý chặt chẽ nên giảm mạnh. Đơn cử, nhiều ngân hàng có chi phí dự phòng giảm đáng kể so với cùng kỳ như: ngân hàng ACB, Eximbank... Tương tự, các ngân hàng quốc doanh như: Vietcombank, BIDV cũng giảm quanh mức 20% (trong khi cùng kỳ tăng 126%).

Trong khi đó, những "ông lớn" ngân hàng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng do ít chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của ngành là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và tỷ trọng cho vay chủ đầu tư bất động sản ở mức thấp.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận, khoản lãi lớn đến từ ngân hàng hàng tăng cao trong những năm trở lại đây là do lãi suất đầu vào tăng trong những tháng cuối năm, đồng thời với việc lãi suất cho vay cũng được đẩy lên giúp ngân hàng duy trì lợi nhuận ở mức cao. Song, mối lo nợ xấu cũng là vấn đề cần được quan tâm và các ngân hàng cần phải có tính toán kỹ lưỡng. Bởi khi thị trường tài chính gặp khó khăn, có ngân hàng báo lãi nghìn tỉ nhưng sau đó nợ xấu tăng khiến lợi nhuận được tính toán ra chỉ vài trăm tỉ đồng. Do đó, dự thu cao nhưng chưa chắc đã là lãi thực tế.

Cần sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm ròng mạnh vào hệ thống trong những phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, từ ngày 27.1 - 2.2, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện mua giấy tờ có giá kỳ hạn 7 ngày lãi suất 6%/năm, qua đó bơm ra thị trường tổng cộng 78.411,1 tỉ đồng.

Như vậy, nếu tính cả phiên giao ngày 3.2 vừa qua, nhà điều hành đang thực hiện bơm ròng 65.819,4 tỉ đồng ra thị trường. Đây chỉ là số liệu tính trên các giao dịch mua bán tín phiếu phát sinh mới trên thị trường mở của nhà điều hành trong tuần. Thực tế, lượng tiền đồng chảy ra thị trường trong tuần giao dịch sau Tết còn lớn hơn khi có cả những hợp đồng bán giấy tờ có giá trong tuần trước Tết đáo hạn. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục tăng trong thời điểm sau Tết, qua đó phản ánh nhu cầu thanh khoản gia tăng của hệ thống.

Hoạt động bơm ròng trong vài tuần gần đây, đặc biệt là ngay cả sau Tết Nguyên đán, cũng không hút tiền về, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng đẩy thêm tiền vào nền kinh tế trong bối cảnh các ngân hàng có room tín dụng mới trong năm 2023.

Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những thay đổi về chính sách nhằm thúc đẩy thêm dòng tiền vào nền kinh tế.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng Trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi.

Việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết sẽ phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.

"Định hướng điều hành năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời; nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để từ đó có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Phó thống đốc cũng khẳng định: "Việc điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay. Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn".

Về định hướng trong năm 2023, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

Bài liên quan
Quan điểm của Hiệp hội Ngân hàng về tình trạng bong bóng BĐS
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn do tình trạng tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp đang gặp rất nhiều vướng mắc. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm từ ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau khoản lợi nhuận tỉ USD của hàng loạt ngân hàng