Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Đang kiệt quệ dần vì COVID-19, giải pháp nào hồi sinh doanh nghiệp?

Lam Thanh | 08/08/2021, 18:37

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng gặp doanh nghiệp diễn ra ngày 8.8, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết một điểm đáng lo là đợt dịch COVID-19 thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

“Thực tế này cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm”, Ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải là tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.

Đồng thời, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng, dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí. Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.

Một khó khăn nữa là chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị chống dịch, chi phí hỗ trợ giữ chân người lao động…

ncd.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng 

Ngoài ra, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Khó khăn tiếp theo là lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Hơn nữa, để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài.

Các doanh nghiệp còn cho biết việc triển khai một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

Bộ KH-ĐT cho rằng làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, khiến cho doanh nghiệp rất khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách.

Ngoài ra, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng những doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững.

Đảm bảo lưu thông hàng hóa, hỗ trợ giảm chi phí

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nghiên cứu đánh giá đầy đủ khả năng thực tế của doanh nghiệp, địa phương khi áp dụng mô hình “hai điểm, một con đường” và chỉ áp dụng khi đáp ứng đủ điều kiện; rà soát việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để khẩn trương có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xử lý ca nhiễm tại nhà máy, kiểm soát dịch bệnh; bổ sung các điều kiện áp dụng, xây dựng và công bố công khai phương án y tế, quy
 rình xử lý trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” để có thể chủ động ứng phó khi thực tiễn phát sinh.

Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng COVID-19; bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vắc xin với các nước; nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vắc xin, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế) với cách tiếp cận, coi đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Giải pháp tiếp theo là đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động; tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp như sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện, hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới…

Đồng thời hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỉ; nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài…

Đối với nhóm chính sách dài hạn, Bộ trưởng kiến nghị cần xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt…

Song song với đó là nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số DNNN quy mô lớn (trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty) hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng đề nghị, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn; hỗ trợ lẫn nhau, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đang kiệt quệ dần vì COVID-19, giải pháp nào hồi sinh doanh nghiệp?